Ông Trump có thể áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vào tuần tới

Kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc được cho là đã gây ra một cuộc tranh luận căng thẳng trong chính quyền ông Trump...
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 28/8 - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 28/8 - Ảnh: Bloomberg.

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn triển khai kế hoạch áp thuế quan bổ sung lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ngay khi kết thúc thời gian tham khảo ý kiến công chúng về kế hoạch này vào tuần tới - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg ngày 30/8.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng cùng ngày, khi được hỏi về thông tin nói trên, ông Trump mỉm cười và nói thông tin đó "không hoàn toàn sai".

Theo dự kiến, các doanh nghiệp và người dân Mỹ có thời gian đến ngày 6/9 để đưa ra ý kiến của mình về kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, bao gồm hàng nghìn mặt hàng từ gậy chụp ảnh selfie cho tới thiết bị bán dẫn. Ông Trump muốn chính thức áp thuế ngay sau khi qua thời hạn nói trên, nguồn thạo tin đề nghị giấu tên cho hay.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm sau khi đón nhận thông tin trên. Tỷ giá đồng Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế cũng giảm, trong khi đồng USD và Yên Nhật tăng giá vì nhiều nhà đầu tư mua vào để tìm kiếm sự an toàn.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng ông Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, và chính quyền Mỹ có thể triển khai kế hoạch đánh thuế này theo từng giai đoạn. Đến nay, Mỹ đã áp thuế bổ sung 25% lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc, và Bắc Kinh đã đáp trả tương xứng bằng cách áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng Mỹ.

Giới quan sát tính đến khả năng ông Trump sẽ chốt kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vào tuần tới, nhưng sẽ chờ thêm một thời gian mới chính thức thực thi. Hồi giữa tháng 6, chính quyền ông Trump quyết định áp thuế lên 50 tỷ USD USD hàng Trung Quốc, nhưng phải 3 tuần sau mới thực hiện đánh thuế 34 tỷ USD hàng hóa trong số này. Số 16 tỷ USD hàng hóa còn lại phải đến tháng 8 mới bắt đầu bị áp thuế.

Một khi được triển khai, kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ đánh dấu một bước leo thang mạnh trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thuế bổ sung áp lên các mặt hàng trong danh sách này dự kiến dao động trong khoảng 10-25%.

Về phần mình, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ trả đũa kế hoạch trên bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng Mỹ.

Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, đặt ra khả năng cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ còn kéo dài.

Trong khi đó, phái "diều hâu" về thương mại đang chiếm ưu thế ngày càng lớn trong chính quyền ông Trump. Ưu thế này được củng cố khi đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, một người có quan điểm cứng rắn, vừa giành một thắng lợi quan trọng là đạt thỏa thuận song phương với Mexico về thay thế Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA).

Theo nguồn thạo tin, kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc đã gây ra một cuộc tranh luận căng thẳng trong chính quyền ông Trump. Trong đó, ông Lighthizer và cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro muốn hành động nhanh, trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, hai người thuộc phái ôn hòa, muốn có thêm thời gian.

Nguồn tin nói rằng ông Trump dừng đàm phán thương mại với Trung Quốc vì ông cho rằng Bắc Kinh thiếu hợp tác trong cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo nguồn tin, ông Trump muốn gây sức ép với Trung Quốc, tin rằng Washington có lợi thế hơn Bắc Kinh.

Theo nhận định của ông Edward Alden, chuyên gia cấp cao thuộc Hội đồng Đối ngoại ở Washington, thành công của ông Lighthizer với NAFTA có thể dẫn tới việc cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ được giao cho vị đại diện thương mại này chịu trách nhiệm. Ông Lighthizer được đánh giá là một trong những nhà đàm phán thương mại có năng lực nhất của Mỹ, đồng thời cũng là một người thuộc phái cứng rắn với Trung Quốc.

Nếu ông Trump giao cuộc đàm phán với Trung Quốc cho ông Lighthizer, "nhiều khả năng sẽ đạt được bước tiến thực sự… hoặc ít nhất cũng mở ra cánh cửa cho một cuộc đàm phán thực sự với Trung Quốc, điều mà đến nay vẫn chưa có được", ông Alden nhận định.

Chuyên đề