Nước - vũ khí tối thượng của IS ở chảo lửa Mosul

Ít nhất nửa triệu dân thường vô tội đang mắc kẹt giữa làn đạn ở chảo lửa Mosul, Iraq, mà không thể tiếp cận nguồn nước vì bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo ngăn cản.

Một em bé Mosul lấy nước từ vòi tại một trại tị nạn ở tỉnh Nineveh, Iraq. Ảnh:CNN

Một trong ba đường ống dẫn nước tới thành phố đã bị vỡ trong khi quân đội chính phủ Iraq giao tranh với các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở khu vực phía đông Mosul, CNN dẫn báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đưa ra hôm 30/11.

Những ống dẫn bị hư hỏng nằm trong khu vực do IS kiểm soát nên nhà chức trách không thể tiến hành sửa chữa. Mosul là thành trì lớn duy nhất mà IS còn nắm giữ trên đất Iraq.

Các quan chức địa phương và nhân chứng cho hay việc đường ống dẫn nước bị hư hại gây ra không ít khó khăn cho dân chúng nhưng vấn đề càng trở nên trầm trọng bởi những thủ đoạn nham hiểm từ IS.

Nhóm đã cố tình cắt nguồn cung cấp nước tới những khu dân cư gần các địa điểm xảy ra giao tranh, ông Zuhair Hazem al-Jabouri, quan chức Hội đồng Mosul, chịu trách nhiệm giám sát, quản lý nguồn nước và điện năng của thành phố, cho biết.

"IS cắt điện tại các trạm cung cấp nước cho những khu dân cư mà binh sĩ Iraq đang nhắm tới", ông Jabouri nói. "Chúng ngăn cản người dân ở đông Mosul uống nước. Chúng muốn ép người dân phải rút lui cùng chúng nhằm lợi dụng họ làm lá chắn sống".

Liên Hợp Quốc chưa thể xác nhận các báo cáo song khẳng định chính sách đánh vào nhu cầu thiết yếu của người dân mà IS đang thực thi có thể khiến hơn một triệu dân thường vẫn bám trụ tại Mosul rơi vào tình cảnh khổ sở.

"Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến kịch bản tương tự tại các thành phố, thị trấn mà ISIL từng chiếm đóng. Chúng dùng nước uống, thức ăn hay bất cứ thứ gì trong khả năng để ép buộc người dân. Chúng đẩy họ vào tuyến lửa", Lise Grande, điều phối viên nhân đạo Liên Hợp Quốc ở Iraq, cho hay, sử dụng tên viết tắt khác của IS.

"Các lực lượng Iraq cam kết bảo vệ dân thường. Họ chiến đấu để giành lại Mosul từ tay ISIL, cùng lúc cố gắng đảm bảo an toàn cho những gia đình ở đây. ISIL trong khi đó đang cố tình gây tổn thương cho người dân", Grande nói.

"IS đang đóng và mở nguồn cấp nước theo ý thích", ông Sabah al-Numan, đại diện lực lượng chống khủng bố Iraq, nói.

Phía sau làn đạn

Người dân Mosul chạy trốn khỏi thành phố. Ảnh:CNN

Khoảng 10 ngày gần đây, dân chúng ở Mosul phải sống trong cảnh không có nước sạch để uống. Một số cộng đồng dân cư đã tập hợp nhau lại để cùng đào các giếng tạm nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu.

Song Abu Ahmed, một cư dân Mosul, cho biết quá trình lấy nước từ giếng rất phức tạp và tốn tài nguyên. Họ cần dùng tới một máy phát điện loại nhỏ và nhiên liệu, một mặt hàng khan hiếm và đắt tiền vào thời điểm này. Bên cạnh đó, nước còn lẫn tạp chất, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.

Mỗi hộ gia đình phải chờ nhiều ngày để đến lượt lấy nước và mỗi lần chỉ có thể lấy vài bình nhỏ, Abu Ahmed kể.

"Con cái tôi không hiểu vì sao chúng lại phải khổ sở như thế đế lấy thức ăn và nước uống", ông nói. "Chúng không hiểu rằng chúng tôi đang phải vật lộn sống ngày nào hay ngày đó".

Om Nayem, chị gái Abu Ahmed, chia sẻ bà không bao giờ nghĩ mình sẽ phải dùng đến các giếng tạm lâu như thế.

"Chúng tôi luôn cho rằng chúng tôi sẽ được giải phóng trước tiên. Nhưng giờ chúng tôi chỉ biết chờ đợi. Chúng tôi cảm thấy vô cùng chán nản".

Theo Om Nayem, suốt hai tháng qua, bà hạn chế tối đã bước chân khỏi nhà. Bà cũng không để lũ trẻ ra ngoài chơi vì lo sợ điều bất trắc sẽ ập tới bất cứ lúc nào.

Cậu con trai 16 tuổi của bà dường như là người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến. "Nó không chịu ngủ và liên tục hỏi: 'Khi nào chúng ta sẽ tự do'".

"Mong ước lớn nhất của tôi là an ninh được lập lại. Đấy là điều quan trọng nhất đối với tôi. Chúng tôi muốn thế giới biết rằng chúng tôi đang khổ sở và chỉ mơ ước một cuộc sống bình thường".

Abu Ibrahim, một người dân khác ở Mosul, cho hay nếu các lực lượng Iraq không giải phóng nơi ông sống sớm, ông buộc phải rút về thành trì của IS ở phía tây thành phố.

"Tôi không muốn thấy cảnh con cái chết ngay trước mắt mình", Ibrahim nói. "Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ gia đình, nhà cửa để đi về phía tây nếu tình hình cứ tiếp diễn như hiện nay".

Chuyên đề