Nợ toàn cầu đạt kỷ lục mới với 247 nghìn tỷ USD

(BĐT) - Theo báo cáo mới của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ toàn cầu vừa lập kỷ lục mới, đạt 247 nghìn tỷ USD trong quý I/2018. Trong đó, nợ của khu vực phi tài chính chiếm 186 nghìn tỷ USD.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã vượt quá 318%, đánh dấu mức tăng hàng quý đầu tiên trong 2 năm, theo báo cáo. Nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tại nhiều thị trường cũng tăng lên mức cao kỷ lục trong quý đầu năm nay.

Khối nợ lớn chưa từng có này là một trong nhiều mối quan tâm của nhà đầu tư, bên cạnh lo ngại về việc thắt chặt tính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các tác động của cuộc chiến thương mại.

Theo ông Joseph LaVorgna, trưởng chuyên gia kinh tế khu vực châu Mỹ tại Natixis, khoản nợ của khu vực doanh nghiệp là vấn đề mà các nhà đầu tư nên lo lắng. “Khu vực doanh nghiệp có đòn bẩy cao và có thể rất dễ bị tổn thương với lãi suất cao hơn”, ông LaVorgna cảnh báo. Ông cũng lưu ý rằng một lý do khiến nợ doanh nghiệp so với GDP tăng cao là do lãi suất thấp trong lịch sử bị tác động bởi chính sách nới lỏng định lượng.

Các nhà phân tích cảnh báo, biến động thị trường và khả năng lạm phát do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong trường hợp này có thể tác động lớn đến giá tài sản. Tuy nhiên, cho đến nay, các thị trường tài chính trên thế giới vẫn khá vững chắc, theo ông Mike Thompson – Chủ tịch S&P’s Investment Advisory Service.

“Thị trường sẽ giảm điểm và sau đó phục hồi trở lại. Bạn không nên phản ứng với thông tin trong ngắn hạn, điều này sẽ có hại cho bản thân. Thị trường đang cố gắng tìm hiểu những gì đang thực sự diễn ra”, ông Thompson nhận xét.

Nhiều định chế tài chính khác cũng đưa ra cảnh báo về nợ toàn cầu. Phó giám đốc thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) David Lipton cho rằng, khối nợ lớn và lãi suất thấp đã đặt ra rủi ro lớn nhất cho thị trường. Tại Mỹ, Giám đốc An ninh Quốc gia Dan Coats gọi khoản nợ 21 nghìn tỷ USD là “một mối đe dọa nghiệm trọng đối với an ninh quốc tế và quốc gia của chúng ta”.

Theo báo cáo của IIF, các thị trường mới nổi cũng đang xem xét những rủi ro cụ thể, đặc biệt khi lãi suất ở Mỹ tăng, dẫn tới việc tái cấp vốn và trả nợ bằng USD trở nên đắt đỏ hơn.

Chuyên đề