Nợ Hy Lạp lại thành tâm điểm tại châu Âu

Vấn đề nợ nần của Hy Lạp đang trở thành chủ đề nóng, sau khi chính phủ các nước eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại tranh cãi về tiền cứu trợ cho nước này.
Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras đã giúp nước này có gói cứu trợ 86 tỷ euro năm 2015. Ảnh:AFP
Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras đã giúp nước này có gói cứu trợ 86 tỷ euro năm 2015. Ảnh:AFP

IMF cho rằng Hy Lạp cần được giảm nợ nhiều hơn hơn để đối phó với khối nợ khổng lồ, trước khi nhận thêm tiền cứu trợ. Trong khi đó, eurozone - vốn đã giảm một khoản nợ đáng kể cho Hy Lạp - lại đang lưỡng lự trong việc mạnh tay giảm nữa.

Khi Hy Lạp cận kề thời hạn hoàn trả nhiều khoản vay lớn trong năm nay, giới quan sát đang nghi ngờ liệu hai bên có thể đi đến thỏa thuận, trước khi tình hình tài chính của nước này vượt tầm kiểm soát hay không?

IMF từ lâu đã khẳng định Hy Lạp cần được giảm nợ nhiều hơn nữa để tài chính công vững mạnh hơn. Trong báo cáo thường niên về nền kinh tế này, IMF viết: "Hy Lạp không thể giải quyết được vấn đề nợ nần này. Họ cần các đối tác châu Âu hỗ trợ đáng kể để khôi phục tính bền vững của nợ".

Các nước châu Âu đã giảm nợ phần nào cho Hy Lạp, dưới dạng hạ lãi suất hoặc kéo dài thời hạn hoàn trả. Tuy nhiên, IMF cho rằng Hy Lạp cần nhiều hơn nữa, và không nhất thiết phải là giảm tiền gốc. Một số báo cáo của IMF tháng trước cho rằng khối nợ này, nếu không được can thiệp xoa dịu, sẽ "bùng nổ". Tức là nó sẽ ngày càng tăng lên.

Trái lại, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan - Jerome Dijsselbloem cho rằng quan điểm của IMF là "bi quan không cần thiết" và Hy Lạp đã làm tốt hơn những gì IMF nhận xét trong báo cáo. Bên cạnh đó, một số quốc gia không chấp nhận được việc phải giải cứu một nước khác khỏi những vấn đề do chính sự thiếu trách nhiệm của nước đó gây ra. Một số thì lo ngại việc này sẽ khiến Hy Lạp không cảm thấy áp lực phải cải tổ nữa.

Năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Đức - Wolfgang Schaeuble nhận xét: "Bất kỳ ai nói về việc giảm nợ cho Hy Lạp lúc này đều không thể thuyết phục được những người muốn họ cải tổ đâu". Đức là người chơi chính (nếu không muốn nói là duy nhất) trong eurozone không hào hứng với việc giảm nợ cho Hy Lạp.

Bản thân IMF cũng có mâu thuẫn. Khi thực hiện đánh giá thường niên về các quốc gia, họ cũng ra bản tóm tắt về cuộc thảo luận của các thành viên hội đồng. Lần này, "phần lớn" nghĩ rằng Hy Lạp cần giảm nợ thêm, nhưng vẫn có một vài ý kiến khác. Hội đồng này gồm đại diện của các quốc gia thành viên, kể cả Giám đốc IMF - bà Christine Lagarde.

Giới phân tích cho rằng tình hình tại Hy Lạp sẽ không dẫn đến khủng hoảng ngay lập tức. Tháng 7 này, họ sẽ phải hoàn trả nhiều khoản vay, cho cả chủ nợ tư nhân và tổ chức (như ECB). Để trả được nợ, Hy Lạp sẽ phải nhận khoản tiền tiếp theo trong gói cứu trợ thứ 3 hiện tại. Tuy nhiên, họ sẽ không có được nó cho đến khi đợt đánh giá của bộ ba chủ nợ - IMF, Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - hoàn tất.

Năm 2015, Chính phủ Hy Lạp - dẫn đầu bởi liên minh cánh tả Syriza đã được thông qua nhận gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro (96 tỷ USD). Tuy nhiên, số tiền này sẽ được giải ngân dần dần, tùy theo đánh giá của các chủ nợ về tình hình cải tổ tại Hy Lạp.

Việc nhận khoản tiền tiếp theo đang bị trì hoãn khi Hy Lạp chưa thể thuyết phục nhóm chủ nợ rằng nước này đã có tiến triển trong việc cải tổ. Mục tiêu của cải tổ là hỗ trợ quá trình tăng trưởng kinh tế dài hạn và ổn định tài chính công cho nước này.

IMF không góp tiền cho gói cứu trợ thứ 3. Họ chỉ đưa ra lời khuyên và cấp tiền cho 2 gói cứu trợ đầu tiên. Nhưng dĩ nhiên, eurozone sẽ muốn có được sự ủng hộ hoàn toàn của IMF.

Giới phân tích nhận định tình hình sẽ càng trở nên phức tạp khi sắp tới, hàng loạt quốc gia eurozone sẽ tổ chức bầu cử, trong đó có Đức. Bên cạnh đó, một số đảng tại Pháp và Hà Lan có thái độ khá bất mãn với EU và đều chỉ trích gói cứu trợ dành cho Hy Lạp. 

Chuyên đề