Nợ hộ gia đình Trung Quốc tăng cao chưa từng thấy

Để lên tới tỷ lệ nợ gần 50% GDP, Mỹ phải mất tới 40 năm trong khi Trung Quốc mất chưa đầy 10 năm...
Nợ hộ gia đình Trung Quốc tăng cao chưa từng thấy

Các gia đình Trung Quốc với truyền thống tiết kiệm giờ đây đang tích lũy nợ với tốc độ cao chưa từng thấy, tờ South China Morning Post dẫn báo cáo công bố ngày 29/3 của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia cho biết.

Năm 2017, nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng với tốc độ đáng báo động lên 49% GDP từ mức chỉ 17,9% năm 2008, trung bình tăng khoảng 3,5 điểm phần trăm một năm. Chỉ riêng trong năm 2016 và 2017, mức tăng là khoảng 4,9 điểm phần trăm.

Trong khi đó, từ năm 1993 - khi dữ liệu này bắt đầu được công bố - cho đến năm 2008, tỷ lệ nợ hộ gia đình Trung Quốc chỉ tăng từ 8,4% lên 17,9% GDP, tương đương mức tăng chỉ 0,65 điểm phần trăm một năm.

Nợ hộ gia đình "nở" ra đáng kể là nhân tố lớn nhất đằng sau sự gia tăng đòn bẩy tài chính tại Trung Quốc trong năm ngoái, khi mà nợ trong khối doanh nghiệp giảm còn nợ của các chính quyền địa phương được kiểm soát.

Theo nhà nghiên cứu Liu Lei của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, tỷ lệ nợ thực của hộ gia đình có thể cao hơn "8 điểm phần trăm" nếu như tính cả các chương trình cho vay ngang hàng, quỹ nhà ở đặc biệt và vay tín chấp cá nhân.

Trong một báo cáo vào tháng 8/2017, công ty chứng khoán Haitong Securities ở Thượng Hải cho biết dù tỷ lệ nợ hộ gia đình thực tế của Trung Quốc không cao như nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ, nhưng lại có tốc độ tăng nguy hiểm.

"Mỹ mất tới 40 năm để tỷ lệ nợ hộ gia đình tăng từ 20% lên khoảng 50%, trong khi Trung Quốc chỉ mất chưa đến 10 năm", nhóm nhà kinh tế của Haitong dẫn đầu là Jiang Chao cho biết.

Nợ hộ gia đình Trung Quốc tăng cao - chủ yếu dưới dạng thế chấp, là vấn đề được chính phủ giám sát gắt gao. Hồi tháng 1, cơ quan quản lý ngành ngân hàng nước này cho biết sẽ cố gắng kiểm soát tỷ lệ nợ hộ gia đình và hạn chế việc sử dụng sai mục đích các khoản vay tiêu dùng và thẻ tín dụng - công cụ thường được các nhà đầu tư bất động sản sử dụng để lách quy định về thế chấp.

Tuy nhiên, Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia - cơ quan liên kết với Học Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng không nên "phóng đại" những rủi ro liên quan tới tỷ lệ nợ hộ gia đình. Cơ quan này cũng cho biết khối nợ khổng lồ của các hộ gia đình Trung Quốc phải mối lo lớn bởi họ cũng đang sở hữu lượng tiết kiệm lớn hơn nhiều.

Theo báo cáo của cơ quan này, thu nhập khả dụng trung bình của hộ gia đình Trung Quốc có thể trang trải được lãi suất cho vay cơ bản và thanh toán các khoản thế chấp. Trong khi đó, giá trị tiền gửi ngân hàng và tiền mặt của hộ gia đình hiện ở mức 70 nghìn tỷ Nhân dân tệ (11,13 nghìn tỷ USD), đủ để bù cho 40 nghìn tỷ Nhân dân tệ nợ trong hệ thống ngân hàng.

Việc in tiền nhiều cùng với giá bất động sản tăng cao thúc đẩy người Trung Quốc tìm cách tận dụng các đòn bẩy tài chính để mua nhà, đất. Trong khi đó, chính sách nới lỏng tiền tệ dẫn đến sự chuyển dịch đáng kể trong thái độ của người dân từ tiết kiệm sang vay nợ.

Chuyên đề