Những công nghệ định hình lĩnh vực thanh toán

 Công nghệ sinh trắc học có thể giúp trấn an những người tiêu dùng còn lo ngại về nguy cơ mất dữ liệu từ thẻ thanh toán không tiếp xúc.
Năm 2019 sẽ tiếp tục là năm bùng nổ của công nghệ trong lĩnh vực thanh toán.
Năm 2019 sẽ tiếp tục là năm bùng nổ của công nghệ trong lĩnh vực thanh toán.

Năm 2018 là một năm ấn tượng của lĩnh vực thanh toán số khi một loạt công nghệ mới liên quan, như blockchain, nhận biết tần số vô tuyến (RFID), giao tiếp trường gần (NFC), mã phản hồi nhanh (mã QR)… đã thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo.

Nhờ một số cải tiến, việc sử dụng những phương thức thanh toán hiện có trở nên đơn giản, nhanh chóng và an toàn hơn bao giờ hết. Ngoài ra, sự phổ biến của điện thoại thông minh và chi phí dữ liệu hợp túi tiền đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của các công nghệ thanh toán số.

Thời của mã QR

Một khảo sát gần đây của hãng thanh toán Mastercard (Mỹ) cho biết gần 50% số lượt thanh toán qua thẻ ở châu Âu sử dụng công nghệ không tiếp xúc. Công nghệ này cho phép người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ chip, thiết bị di động để tiến hành thanh toán, sử dụng công nghệ RFID hoặc NFC.

Theo một số dự báo, 2019 sẽ tiếp tục là năm bùng nổ của công nghệ trong lĩnh vực thanh toán khi các công ty khởi nghiệp nỗ lực phát triển những phương thức thay thế hứa hẹn thu hẹp khoảng cách hiện có. 

Chẳng hạn như tại Indonesia, ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán mọi thứ, từ thức ăn cho đến vé xem phim, thông qua mã QR. Phương thức thanh toán này được phổ biến bởi dịch vụ thanh toán GoPay của công ty GoJek xuất hiện lần đầu vào năm 2016. Giờ đây, GoPay có thể được sử dụng để rút tiền, thanh toán tiền điện nước và mua sắm ngoại tuyến thông qua việc quét mã QR.

GoJek không phải là công ty đầu tiên tìm cách hưởng lợi từ cuộc cách mạng không tiền mặt. Đối thủ Grab (Singapore) của họ đã bắt tay với dịch vụ ví di động Ovo ở Indonesia để cung cấp thanh toán bằng mã QR thông qua 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công ty này đặt mục tiêu nâng con số công ty tham gia lên 100.000 vào cuối năm nay.

Ngay cả một số ngân hàng và công ty viễn thông cũng tham gia cuộc chơi, như ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Bank Central Asia và công ty viễn thông lớn nhất nước Telkomsel. Theo thống kê, Indonesia hiện có 12 công ty thanh toán mã QR. Đây là quốc gia có nền kinh tế Internet lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, được dự báo đạt 27 tỉ đô la năm nay trước khi tăng lên 100 tỉ đô la năm 2025.

Thẻ thanh toán không tiếp xúc

Dù vậy, Indonesia vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi theo kịp những nước như Trung Quốc, nơi thanh toán mã QR xuất hiện khắp nơi. Hai dịch vụ thanh toán mã QR đi tiên phong đang thống trị thị trường đông dân nhất thế giới này là Alipay (của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, với hơn 600 triệu người sử dụng) và WeChatPay (của đại gia công nghệ Tencent, với 980 triệu người sử dụng). 

Giờ đây, những dịch vụ này còn tìm cách mở rộng ra bên ngoài, với Indonesia là điểm đến mới nhất khi có tin đại diện của cả Alipay và WeChatPay đã gặp ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Bank Negara Indonesia (BNI) để bàn về khả năng hợp tác. Trước đó, WeChatPay đã xuất hiện ở Malaysia, Thái Lan và Singapore và Alipay cũng có mặt ở Singapore.

Một số chuyên gia nhận định mục tiêu chinh phục trong tương lai của hai dịch vụ này là hai thị trường Mỹ và Canada

Ngoài sự trỗi dậy của thanh toán mã QR, năm 2019 dự kiến còn chứng kiến sự trở lại của thẻ thanh toán không tiếp xúc tại Mỹ. Ông Afred Kelly, Giám đốc điều hành công ty thanh toán Visa, cho biết có đến 100 triệu thẻ Visa không tiếp xúc có thể được phát hành bởi các ngân hàng thành viên ở Mỹ trong năm nay.

Một trong số ngân hàng này, JPMorgan Chase & Co., cho biết sẽ tung ra thẻ tín dụng Visa không tiếp xúc cho mọi chủ thẻ mới và chủ thẻ được gia hạn trong nửa đầu năm 2019. Trong khi đó, MasterCard dự báo đến năm 2020, mọi máy tính tiền POS ở châu Âu đều có thể hỗ trợ thẻ thanh toán không tiếp xúc.

Đối với những người tiêu dùng còn lo ngại về nguy cơ mất dữ liệu từ thẻ thanh toán không tiếp xúc, công nghệ sinh trắc học có thể giúp trấn an họ. Chẳng hạn như công ty Gemalto (Hà Lan) đã phát triển loại thẻ thanh toán tích hợp bộ cảm biến vân tay. Dữ liệu sinh trắc học của chủ thẻ được lưu trữ tại ngân hàng của họ. Trong khi đó, dữ liệu vân tay được mã hóa và lưu trữ trên chip của thẻ, không phải trên máy chủ ngân hàng. Đáng chú ý là nhà bán lẻ không cần phải nâng cấp máy tính tiền POS tại cửa hàng bởi công việc kiểm tra sinh trắc học diễn ra trực tiếp trên thẻ.

Trong khi đó, những hệ thống ID số, như Nuggets, muốn kết hợp giữa sự tiện lợi và bảo mật. Người tiêu dùng  lưu trữ ID số của họ lên blockchain (một loại cơ sở dữ liệu phi tập trung hầu như không thể bị tấn công) và cho doanh nghiệp tạm thời tiếp cận nó. Việc sử dụng ID số, kết hợp với công nghệ sinh trắc học, có thể giúp việc thanh toán thêm an toàn.

Một xu hướng đang phát triển trong thanh toán di động là thanh toán ngang hàng (P2P), nhờ sự ra đời của những dịch vụ như Venmo (của công ty PayPal) và Zelle (được một số ngân hàng ở Mỹ hậu thuẫn). Công nghệ này cho phép khách hàng chuyển tiền từ một tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng đến một tài khoản cá nhân khác.

Chuyên đề