Nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc đẩy giá dầu châu Á đi lên

Giá dầu châu Á đi lên trong phiên chiều 19/10 do những dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đang tăng lên.
Nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc đẩy giá dầu châu Á đi lên. Ảnh: Reuters
Nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc đẩy giá dầu châu Á đi lên. Ảnh: Reuters

Cụ thể, phiên này trên thi trường Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng 10 xu Mỹ lên 79,49 USD/thùng vào lúc 14 giờ 40 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến thêm 15 xu Mỹ lên 68,8 USD/thùng. 

Tuy nhiên khi tính đến thời điểm này của tuần, giá dầu Brent đã để mất 1% trong khi giá dầu WTI giảm tới 3,5%. Cả hai loại dầu đều hướng đến tuần mất giá thứ hai liên tiếp. 

Số liệu chính thức mới nhất cho thấy lượng dầu được chuyển cho các nhà máy lọc dầu tại tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã tăng lên mức cao kỷ lục 12,49 triệu thùng/ngày trong tháng Chín, khi một số nhà máy độc lập bắt đầu nối lại hoạt động sau khi "tạm nghỉ” trong mùa Hè. 

Hoạt động tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu có thể tiếp tục tăng lên trong quý IV/2018 khi một số nhà máy của Trung Quốc hoạt động trở lại sau thời gian bảo trì. 

Một yếu tố khác giúp giá dầu đi lên là thông tin hoạt động xuất khẩu dầu của Iran trong tháng 10/2018 có thể tăng mạnh so với tháng trước khi các khách hàng của nước này đang vội vã đặt nhiều đơn hàng nhất có thể trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực từ ngày 4/11 tới. 

Trong khi đó, theo các số liệu theo dõi hàng hải của Refinitiv Eikon thuộc Thomson Reuters, khoảng 22 triệu thùng dầu thô từ Iran dự kiến sẽ cập cảng Đại Liên thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc vào tháng 10 và tháng 11 năm nay. Theo số liệu tính từ tháng 1/2015, con số này cao đột biến khi cảng này thường chỉ nhận từ 1 - 3 triệu thùng dầu từ Iran mỗi tháng. 

Tuy nhiên, dù được hỗ trợ từ những số liệu lạc quan trên, đà tăng của giá dầu đã phần nào bị chững lại trong phiên này bởi báo cáo mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong quý III/2018 chỉ đạt 6,5% - mức thấp nhất kể từ năm 2009. 

Số liệu kinh tế không mấy tươi sáng trên của Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại rằng chiến tranh thương mại giữa nước này và Mỹ đang bắt đầu có tác động đến tăng trưởng. Diễn biến này hoàn toàn có thể hạn chế nhu cầu dầu mỏ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chuyên đề