Nhiều yếu tố hỗ trợ, giá dầu tăng liên tục

Trong vòng 1 tuần trở lại đây, giá dầu thế giới đã tăng khoảng 12%, dù OPEC và Nga nhất trí tăng sản lượng...
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và thái tử Mohamad bin Salman của Saudi Arabia. Thỏa thuận nâng sản lượng dầu lửa giữa OPEC và Nga chưa thể giúp "hạ nhiệt" giá dầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và thái tử Mohamad bin Salman của Saudi Arabia. Thỏa thuận nâng sản lượng dầu lửa giữa OPEC và Nga chưa thể giúp "hạ nhiệt" giá dầu.

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, lập thêm đỉnh cao mới từ cuối năm 2014, trong bối cảnh dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh và có nhiều rủi ro đối với nguồn cung dầu toàn cầu.

Ngoài ra, theo trang Market Watch, các nhà đầu tư còn đang lo ngại về việc Mỹ trừng phạt ngành dầu lửa Iran và những vấn đề về sản lượng tại một mỏ dầu của Canada sẽ khiến nguồn cung dầu bị thắt chặt thêm.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 8 tại New York tăng 69 cent, tương đương tăng gần 1%, chốt ở 73,45 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 26/11/2014. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI vượt 74 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 23 cent, tương đương tăng 0,3%, đạt 77,85 USD/thùng - mức giá đóng cửa cao nhất kể từ tháng 5.

Trong vòng 1 tuần trở lại đây, giá dầu thế giới đã tăng khoảng 12%, dù Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga cuối tuần trước nhất trí nâng sản lượng khai thác để "hạ nhiệt" giá dầu.

Thị trường hiện đang đánh giá ảnh hưởng của việc chính quyền Tổng thống Donald Trump tuần này dọa sẽ trừng phạt các quốc gia không ngừng nhập khẩu dầu thô từ Iran trước ngày 4/11.

Ngày thứ Năm, CNBC đưa tin rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm rõ tuyên bố trên, trong đó một quan chức nói chính quyền ông Trump "sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để giảm nhập khẩu dầu từ Iran theo trường hợp từng nước". Phát biểu này cho thấy Mỹ có thể sẽ không ép các nước phải ngừng nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Iran, nhưng chưa thể gỡ bỏ hoàn toàn mối lo của thị trường.

Lệnh trừng phạt của Mỹ được áp đặt trở lại lên Iran sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Tehran với các cường quốc. Theo giới phân tích, một khi được thực thi đầy đủ sau 6 tháng, lệnh trừng phạt này có thể khiến xuất khẩu dầu thô của Iran giảm từ 400.000-1 triệu thùng/ngày, từ mức 2,4 triệu thùng/ngày hiện nay.

Hôm thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của nước này giảm 9,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/6, mức giảm tuần mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

Theo các nhà phân tích của Commerzbank, dữ liệu này "càng giúp giá dầu được hỗ trợ". "Lý do chính khiến dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh là công suất kỷ lục của các nhà máy lọc dầu và xuất khẩu dầu tăng mạnh", báo cáo viết.

Tại Canada, mỏ dầu Syncrude với công suất 360.000 thùng/ngày đã bị ngưng hoạt động hơn 1 tuần nay. Theo một số nguồn tin, mỏ dầu này có thể đóng cửa đến hết tháng 7.

Sau khi OPEC và Nga đã nhất trí tăng sản lượng thêm tối đa 1 triệu thùng/ngày, Saudi Arabia tuyên bố sẽ nâng sản lượng của nước này từ 10,8 triệu thùng/ngày hiện nay lên 11 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Động thái này của Saudi Arabia được cho là nhằm giảm tác động đối với giá dầu từ việc Mỹ tái áp trừng phạt Iran.

Tuy nhiên, những thông tin này không có nhiều tác dụng trong việc cản đà tăng của giá dầu hiện nay, bởi nhiều nhà đầu tư cho rằng với sản lượng đạt tới mức như vậy, Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của OPEC - sẽ không còn nhiều dư địa để phản ứng với một cuộc khủng hoảng trong tương lai, trong khi sản lượng dầu của Venezuela tiếp tục giảm sâu.

Chuyên đề