Nhiều thị trường bất động sản đắt đỏ trên toàn cầu đồng loạt giảm giá

Nổi tiếng là những nơi có bất động sản đắt hàng đầu thế giới, thị trường Hồng Kông, Singapore... đang chứng kiến đợt giảm giá mạnh ...
Việc giá nhà đồng thời giảm trên toàn cầu có thể dẫn tới những "bất ổn về tài chính và kinh tế vĩ mô".
Việc giá nhà đồng thời giảm trên toàn cầu có thể dẫn tới những "bất ổn về tài chính và kinh tế vĩ mô".

Thị trường bất động sản châu Á cuối cùng cũng xuôi theo xu hướng đi xuống của bất động sản toàn cầu khi thị trường tại Singapore, Hồng Kông và Australia đã có dấu hiệu hạ nhiệt, Bloomberg cho biết.

Trong một báo cáo đưa ra vào tháng trước, S&P Global Ratings nhận định hậu quả của xu hướng này có thể sẽ rất lớn. Giá nhà thấp hơn và lãi suất thế chấp cao hơn sẽ không chỉ làm suy giảm niềm tin, mà còn ảnh hưởng tới thu nhập khả dụng của người tiêu dùng. Còn theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố hồi tháng 4 năm ngoái, việc giá nhà đồng thời giảm trên toàn cầu có thể dẫn tới những "bất ổn về tài chính và kinh tế vĩ mô". 

Dù mỗi thành phố tại một khu vực đều có những đặc điểm riêng biệt, nhưng vẫn có một số điểm chung như: lãi suất cho vay tăng, chính phủ siết quản lý, và thị trường chứng khoán biến động. Nhu cầu của khách hàng Trung Quốc giảm cũng đẩy giá bất động sản tại nhiều thị trường xuống mức thấp kỷ lục. 

"Kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại, dòng vốn ra nước ngoài bị kiểm soát chặt hơn, dẫn đến nhu cầu giảm tại các thị trường như Sydney và Hồng Kông", Patrick Wong, nhà phân tích bất động sản tại Bloomberg Intelligence, nhận định.

Hồng Kông

Sau gần 15 năm tăng liên tiếp khiến Hồng Kông nổi tiếng là thị trường bất động sản đắt nhất thế giới, giá nhà tại đây đang đi xuống. 

Giá nhà tại thành phố này đã giảm 13 tuần liên tiếp từ tháng 8 năm ngoái, đợt giảm dài nhất kể từ năm 2008, theo số liệu từ Centaline Property Agency Ltd. show. Quan ngại về lãi suất cho vay và thuế nhà bỏ trống tăng được nhận định là những nguyên nhân dẫn tới xu hướng này. 

Tỷ lệ thắng thầu của các hãng bất động sản Trung Quốc đại lục tại Hồng Kông cũng giảm đáng kể, từ 70% năm 2017 xuống chỉ còn 27% trong năm 2018, theo dữ liệu mới nhất công ty quản lý đầu tư JLL. Các công ty Trung Quốc chỉ giành được 3 trong số 11 dự án được chính quyền địa phương đấu thầu. 

"Thay đổi này có thể được giải thích bởi sự suy giảm của nền kinh tế", Henry Mok, giám đốc thị trường vốn của JLL cho biết. "Trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã có động thái hạn chế dòng vốn ra nước ngoài, đổi lại gia tăng khó khăn cho các hãng bất động sản khi đầu tư ra nước ngoài". 

Singapore

Thường được xếp vào những nơi đắt đỏ nhất thế giới, giá nhà tại Singapore vào quý 4/2018 có lần giảm đầu tiên trong 6 quý. Trong đó, bất động sản xa xỉ giảm mạnh nhất, mất 1,5% giá trị tại các khu đất "vàng". 

Nguyên nhân chủ yếu là loạt chính sách của chính phủ. Vào tháng 7, các biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường bất ngờ được thực hiện, bao gồm tăng thuế đất và siết quy định về tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản (LTV). Nhiều hạn chế mới gồm giới hạn căn hộ siêu nhỏ và quy định chống rửa tiền tạo thêm gánh nặng hành chính cho các hãng bất động sản. Tất cả tạo lực hãm đà tăng giá nhà tại quốc đảo này, khiến đợt tăng giá chỉ kéo dài 5 quý - ngắn nhất kể từ khi số liệu này được thống kê. 

Sydney

Người dân Sydney đã bắt đầu tự hỏi rằng việc giá nhà trải qua đợt giảm mạnh nhất kể từ cuối những năm 1980 sẽ dẫn tới hệ quả gì về kinh tế? Giá nhà trung bình tại thành phố cảng của Australia đã giảm 11,1% so với mức đỉnh của năm 2017, theo số liệu của CoreLogic Inc. công bố hôm 2/1, vượt qua mức giảm 9,6% khi nước này chuẩn bị rơi vào đợt suy thoái gần đây nhất. 

Dù giá nhà Sydney hiện vẫn cao hơn khoảng 60% so với vào năm 2012, các nhà kinh tế dự báo một đợt giảm 10% nữa có thể khiến các nhà đầu tư đang lo lắng phải nghĩ lại trước khi mở hầu bao.

Ngân hàng ương Australia cũng tỏ ra lo lắng rằng một đợt suy thoái kéo dài có thể kìm hãm tiêu dùng và việc Đảng Lao động cam kết hạn chế chương trình hỗ trợ thuế cho các nhà đầu tư bất động sản nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới, sẽ khiến niềm tin trên thị trường bị tổn thương hơn nữa. 

Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg hôm 4/1 cũng lên tiếng kêu gọi các ngân hàng của nước này không thắt chặt tín dụng thêm nữa trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nguy cơ suy thoái. 

Thượng Hải, Bắc Kinh 

Các biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản đã khiến lượng giao dịch và giá bất động sản tại 2 thành phố lớn nhất Trung Quốc giảm 5% so với mức đỉnh. 

Những quy định về việc mua nhiều nhà, hay thời gian bao lâu được phép bán căn nhà kể từ khi mua, đang bắt đầu được nới lỏng. Còn các hãng bất động sản đua nhau tung ra nhiều chương trình khuyến mại để thu hút người mua. 

Vào tháng 9 năm ngoái, một công ty bất động sản đưa ra chương trình tặng xe BMW Series 3 hoặc X1 cho bất cứ khách hàng nào mua căn hộ 3 phòng ngủ hoặc nhà phố tại dự án của mình ở Thượng Hải. Số tiền yêu cầu thanh toán ban đầu cũng được giảm xuống. Tập đoàn bật động sản lớn nhất Trung Quốc China Evergrande Group hiện chỉ yêu cầu khách hàng thanh toán trước 5% giá trị căn nhà, thay vì 30% thông thường. 

"Không ngạc nhiên khi giá nhà ở tại Bắc Kinh và Thượng Hải giảm khi mà các biện pháp hạn chế đang được áp dụng trên cả hai thị trường", Henry Chin, giám đốc nghiên cứu tại CBRE Group Inc., nói. Theo Chin, một chỉ số thống kê cho thấy giá nhà sang tay tại Bắc Kinh đã giảm kể từ tháng 9 năm ngoái, trong khi đó chỉ số tương tự cũng cho thấy xu hướng giảm trong gần 12 tháng qua tại Thượng Hải. 

Chuyên đề