Nhật thông qua 126 biện pháp nhằm thu hút lao động nước ngoài

Tokyo dự kiến ký thoả thuận song phương với chính phủ 9 nước để tiến hành các bài kiểm tra với người lao động muốn lấy visa theo chương trình mới...
Nhật thông qua 126 biện pháp nhằm thu hút lao động nước ngoài

Chính phủ Nhật ngày 25/12 chính thức thông qua hàng loạt biện pháp để thu hút lao động nước ngoài tới làm việc tại nước này và giúp họ dễ dàng hoà nhập vào xã hội, theo tờ Nikkei. 

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã thúc giục các bộ trưởng làm hết sức để đảm bảo lao động nước ngoài có động lực đến làm việc tại quốc gia này, và không chỉ tới những thành phố lớn mà cả các cộng đồng nhỏ hơn. Lời kêu gọi của ông Abe được đưa ra ngay trước động thái điều chỉnh luật nhằm thu hút lao động cho các lĩnh vực đang thiếu nhân lực trầm trọng của Nhật.

Các bộ trưởng Nhật đã thông qua tổng cộng 126 biện pháp, bao gồm thúc đẩy việc hoà nhập của người nước ngoài mới đến với dân bản địa, và hỗ trợ người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật. Để thực hiện tất cả biện pháp này, chính phủ Nhật đã phân bổ ngân sách bổ sung 6,1 tỷ Yên (55,3 triệu USD) cho năm tài khoá 2018 và ngân sách 16,3 tỷ Yên cho năm 2019. 

Hồi tháng 4, nước này cũng điều chỉnh luật công nhận tị nạn và kiểm soát nhập cư nhằm "dọn đường" cho việc đón khoảng 340.000 lao động nước ngoài vào các ngành công nghiệp mục tiêu trong 5 năm tới. 

Nằm trong loạt kế hoạch được thông qua vào ngày 25/12, các cơ sở hành chính một cửa, có tên dự kiến là Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ Đa văn hoá, sẽ được mở tại khoảng 100 điểm trên toàn quốc. Các trung tâm này sẽ tư vấn các thủ tục hành chính và cuộc sống hàng ngày bằng 11 ngôn ngữ gồm tiếng Nhật, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Việt Nam, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Indonesia, Nepal và Tagalog, sử dụng ứng dụng phiên dịch và các phương tiện khác. 

Chính phủ Nhật cũng sẽ tìm cách đảm bảo tất cả các khu vực sẽ có những trường học tiếng Nhật và cấp chứng chỉ chất lượng mới cho giáo viên dạy tiếng Nhật. 

Các biện pháp khác bao gồm cung cấp thông tin bằng nhiều ngôn ngữ nhằm giúp những hộ gia đình không nói tiếng Nhật có trẻ nhỏ dễ dàng hơn trong việc sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế và chăm sóc trẻ em. 

Nhằm xoá bỏ những quan ngại trong Đảng Dân Chủ cầm quyền về tỷ lệ lao động nước ngoài lớn trong các ngành trả lương cao tại thành thị, chính phủ dự kiến phác thảo rõ ràng về điều kiện làm việc theo ngành, nghề, tình trạng cư trú và khu vực. Chính phủ Tokyo cũng sẽ sử dụng các khoản trợ cấp khu vực để hỗ trợ tài chính cho các thành phố nhằm gắng sức chấp nhận lao động nước ngoài. 

Một kế hoạch quan trọng khác được thông qua là tăng biện pháp bảo vệ người nước ngoài trước những kẻ môi giới lừa đảo và những doanh nghiệp bóc lột người lao động, thông qua việc hợp tác với chính phủ các nước. 

Với kế hoạch này, Tokyo dự kiến ký thoả thuận song phương với chính phủ 9 nước để tiến hành các bài kiểm tra bằng tiếng Nhật cho người lao động muốn lấy thị thực (visa) theo chương trình mới. Việt Nam, Philippines và Myanmar nằm trong danh sách các nước này. 

Hệ thống visa mới cho phép lao động nước ngoài từ 18 tuổi trở nên đăng ký 2 loại visa. Loại số 1 dành cho những người làm những công việc đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm nhất định, còn loại thứ 2 dành cho lao động làm những việc đòi hỏi kỹ năng cao hơn. 

Visa loại 1, có hiệu lực tới 5 năm, sẽ không cho phép người lao động bảo lãnh gia đình sang Nhật. Trong khi đó, visa loại 2 cho phép nhưng giới hạn số lần gia hạn visa.

Các biện pháp sẽ được thực hiện nhằm ngăn chặn việc bóc lột người lao động không nói tiếng Nhật qua hệ thống thực tập kỹ thuật. Chính phủ Nhật muốn các thực tập sinh kỹ thuật chuyển qua visa theo chương trình mới - dành cho những người "có kỹ năng chuyên môn nhóm 1" trong 14 ngành nghề, gồm chăm sóc điều dưỡng, nhà hàng và xây dựng. 

Chính phủ Nhật ước tính sẽ có tới 60.000 người qua chương trình visa mới này để tìm công việc chăm sóc điều dưỡng tại Nhật trong 5 năm đầu tiên. Đây sẽ trở thành ngành có lượng lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật, theo sau là ngành dịch vụ nhà hàng với 53.000 lao động được tuyển dụng trong cùng kỳ. 

Bằng việc tạo ra các cấp visa mới, Nhật Bản lần đầu chính thức mở cửa cho lao động trí thức nước ngoài. Trước đây, nước này chỉ cấp visa làm việc cho những người có trình độ chuyên môn và kỹ năng cao như bác sĩ, luật sư, giáo viên. 

Để ngăn chặn chính sách visa mới ảnh hưởng tới việc làm của người dân Nhật, chương trình này sẽ được dừng khi tình trạng thiếu lao động đã được giải quyết. Và để tránh việc tập trung quá nhiều lao động nước ngoài tại các thành phố lớn, chính phủ cũng sẽ thực hiện "những biện pháp cần thiết" để nhóm lao động này không "tập trung quá đông tại các khu vực được hạn chế, gồm đô thị lớn". 

Chính phủ Nhật yêu cầu các doanh nghiệp và chính quyền địa phương chuẩn bị cho luật này, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4 năm sau. 

Chuyên đề