Nhật thay đổi chiến lược viện trợ nước ngoài để đối phó Trung Quốc

Nhật Bản đang có xu hướng thay đổi các hình thức viện trợ ra nước ngoài để tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á nhằm đối phó với các động thái gây hấn từ Trung Quốc.
Tàu cảnh sát biển Nhật Bản hôm 13/7 tham gia một bài tập trận chống hải tặc trên vùng biển ngoài khơi Philippines. Ảnh:AFP
Tàu cảnh sát biển Nhật Bản hôm 13/7 tham gia một bài tập trận chống hải tặc trên vùng biển ngoài khơi Philippines. Ảnh:AFP

Phương pháp tấn công quyến rũ mà Nhật Bản theo đuổi hiện vượt ra ngoài các biện pháp củng cố "quyền lực mềm" thông thường nước này vẫn áp dụng, theo Strait Times. Trước đây, Tokyo chủ yếu giúp đỡ các nước khu vực phát triển cơ sở hạ tầng, nhân lực nhưng nay còn mở rộng sang cả hỗ trợ xây dựng năng lực quân sự.

Nhật Bản tuần trước thông báo sẽ cung cấp cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines hai tàu lớn mới. Trước đó, Tokyo hứa cấp 10 tàu tuần duyên cỡ vừa cho Manila. Chiếc đầu tiên thuộc lô tàu nói trên sẽ cập cảng Philippines trong tháng 8. Hồi tháng 5, Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản cấp tàu tuần tra nhằm tăng cường năng lực trên biển.

Theo giáo sư Heng Yee Kuang từ Trường Chính sách Công thuộc Đại học Tokyo, sự thay đổi này là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang muốn tìm kiếm những "nguồn ủng hộ ngoại giao" ở Đông Nam Á để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và hung hăng trên biển.

Dù những bước đi gần đây đã giúp Nhật Bản gia tăng uy tín đáng kể song "mức độ hỗ trợ cũng như số lượng trang thiết bị được cung cấp vẫn chưa thể làm thay đổi cán cân quyền lực thật sự ở khu vực", ông Heng đánh giá. Thực tế, đây như một nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm thiết lập vị thế Nhật Bản như một "người giám hộ cho những quy tắc và quy chuẩn toàn cầu".

Điều lệ Hợp tác Phát triển, một tài liệu về các biện pháp viện trợ cần được nội các Nhật Bản thông qua, hồi năm ngoái nêu rõ: "Với điều kiện kinh tế xã hội Nhật Bản hiện nay, làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước mới nổi và đang phát triển, kết hợp khai thác nguồn lực từ họ là chìa khóa cho sự thịnh vượng bền vững của quốc gia".

Trong bối cảnh mối quan hệ với Bắc Kinh đang ngày càng trở nên căng thẳng, Tokyo chắc chắn sẽ phải nghiêng về Đông Nam Á, đối tác thương mại lớn thứ hai của Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc, ông Heng nhấn mạnh.

Mặt khác, theo giáo sư Purnendra Jain từ Đại học Adelaide, Australia, "các dự án viện trợ lớn còn mở đường cho hàng loạt công ty Nhật Bản tiến vào những mảnh đất mới, nơi mà triển vọng tăng trưởng kinh tế và mở rộng thị trường là rất lớn".

Bên cạnh đó, việc ông Abe hồi năm 2013, sau khi nhậm chức không lâu, tới thăm 10 quốc gia Đông Nam Á cũng cho thấy tầm quan trọng của khu vực đối với Nhật Bản, giáo sư Heng nhận định. Phương pháp tiếp cận theo kiểu "tiếp thêm sức mạnh" cho ASEAN rõ ràng cũng "phù hợp với động lực kinh tế và chiến lược" của Nhật Bản, ông cho biết thêm. 

Thủ tướng Abe năm 2013 đánh dấu mốc 40 năm quan hệ Nhật Bản - Đông Nam Á bằng một gói viện trợ trị giá hai nghìn tỷ yen ( hơn 19,7 tỷ USD) cho khu vực. Đặc biệt, Tokyo năm ngoái tuyên bố rót thêm 750 tỷ yên (hơn 7,4 tỷ USD) trong ba năm cho các nước vùng Mekong, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Theo một số tài liệu từ chính phủ, nguồn vốn Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Nhật Bản hiện tập trung nhiều ở Đông Nam Á. Tokyo năm 2015 còn nói rõ rằng những khoản viện trợ này được sử dụng để "bảo vệ các lợi ích quốc gia".

Theo giáo sư Heng, ông Abe hiện tại có chiều hướng "đẩy mạnh các chương trình phát triển năng lực và cho phép dùng ODA cho những thứ được gắn mác mục tiêu 'chiến lược' thay vì chỉ để xây đường hay trường học".

Nhưng song song với đó, giới chuyên gia cho rằng Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục tạo dựng uy tín, thu về ủng hộ từ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và nhân lực tại những quốc gia Đông Nam Á đang phát triển.

"Dù đã xác định lại đường hướng viện trợ nhằm phục vụ cho mục tiêu địa chiến lược cũng như lợi ích quốc gia... Tokyo vẫn sẽ gắn chặt với triết lý viện trợ truyền thống, dồn đáng kể nguồn lực tài chính và nhân sự cho các vấn đề xã hội, nhân đạo", giáo sư Jain khẳng định. 

Chuyên đề