Nhật Bản xúc tiến đối thoại cấp cao về tàu Trung Quốc ở Senkaku

Một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 8/8 cho biết Tokyo đang xúc tiến các cuộc thảo luận cấp cao với Bắc Kinh liên quan tới việc tàu Trung Quốc tiếp tục đi vào lãnh hải Nhật Bản quanh quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc. (Nguồn: AFP)
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Theo nguồn tin trên, Tokyo đang xem xét sắp xếp cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Fumio Kishida với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong vài ngày tới để thảo luận vấn đề trên. 

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng mong muốn tổ chức một cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra Hàng Châu trong tháng 9 tới.

Hãng tin Kyodo cho biết Tokyo muốn thảo luận vấn đề này ở cấp cao nhất sau khi những công hàm phản đối mới đây của Bộ Ngoại giao Nhật Bản dường như đã không có tác dụng trong việc giải quyết tình hình.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết chỉ trong ngày 8/8, đã có 15 tàu của Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản và vùng tiếp giáp ngay bên ngoài vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó một ngày, cũng có 13 tàu của Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp và một số tàu đi vào lãnh hải Nhật Bản. Trong khi đó, ngày 7/8, có tới 230 tàu cá cùng 7 tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đã xuất hiện tại khu vực tiếp giáp xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Theo JCG, trong số tàu hải cảnh trên có một số tàu được trang bị súng.

Sau khi xảy ra các vụ việc trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã 3 lần trao công hàm phản đối cho Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa, song Trung Quốc vẫn giữ quan điểm cứng rắn, cho rằng phía Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về tình trạng gia tăng căng thẳng.

Hôm 6/8, Thủ tướng Abe đã yêu cầu các cơ quan chức năng nước này hành động kiên quyết và kiềm chế phù hợp với luật pháp quốc tế và trong nước, cũng như hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các nước khác. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada khẳng định "Tokyo sẽ cảnh giác cao độ, giám sát và thu thập thông tin, trong khi duy trì hành động kiềm chế, nhằm kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của nước này, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư."

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa của Nhật Bản khoảng 400km về phía Tây và hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển xung quanh quần đảo này. Tranh chấp chủ quyền đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước suốt thời gian qua, đặc biệt sau khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo tại đây hồi tháng 9/2012./.

Chuyên đề