Nguy cơ từ cách tung đòn hỏa mù đối phó Triều Tiên của Trump

"Đòn gió" của Trump có thể khiến Triều Tiên nhượng bộ, nhưng cũng làm các lãnh đạo thế giới khó đoán được chính sách đối ngoại thực sự của Mỹ.

Tên lửa đạn đạo Triều Tiên trong một lễ duyệt binh. Ảnh:Reuters

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cuối tuần qua lên đến đỉnh điểm, khi Mỹ tuyên bố đã điều một cụm tàu sân bay chiến đấu tới ngoài khơi Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng thề sẽ đáp trả bằng mọi biện pháp, kể cả vũ khí hạt nhân, nếu bị tấn công. Dư luận lo sợ chỉ một tính toán sai lầm nhỏ cũng có thể đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt.

Thế nhưng cuối cùng đã không có gì xảy ra khi Bình Nhưỡng quyết định không thử hạt nhân lần thứ 6. Ngày 16/4, Triều Tiên phóng thử một tên lửa tầm trung, nhưng không thành công, khiến Mỹ và Trung Quốc không có động thái đáp trả nào.

Theo bình luận viên John Everard của CNN, lời giải thích thỏa đáng nhất cho tình huống này là Triều Tiên đã chịu nhún, từ bỏ kế hoạch thử hạt nhân vào "Ngày Mặt trời", sau khi đánh giá rằng nguy cơ hứng chịu đòn tấn công trả đũa là quá lớn.

Lãnh đạo Triều Tiên có thể đã tính toán rằng việc tiến hành một vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo tầm xa là quá mạo hiểm, nên họ đã chọn giải pháp an toàn hơn là phóng thử tên lửa tầm trung, động thái giúp Bình Nhưỡng chứng tỏ rằng họ không hề lùi bước trước sức ép từ nước ngoài, đồng thời không châm ngòi cho phản ứng giận dữ của quốc tế.

Nhưng cụm tàu sân bay USS Carl Vinson mà Bình Nhưỡng cho rằng đang "rình rập" trước cửa nhà, sẵn sàng tung đòn tấn công phủ đầu vào hôm 15/4, trên thực tế lại đang ở cách biển Nhật Bản hơn 5.000 km. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng "hạm đội hùng hậu" này đang đến gần Triều Tiên là không chính xác.

Everard cho rằng đây có thể là một "đòn gió" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với mục đích trước mắt là ngăn chặn bước phát triển mới trong chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Theo các chuyên gia quân sự, để hoàn thiện được vũ khí hạt nhân, Triều Tiên bắt buộc phải thử chúng trên thực địa. Một khi Bình Nhưỡng không dám thử hạt nhân vì lo sợ hậu quả, chương trình hạt nhân của họ về cơ bản là đã bị ngừng trệ.

Việc sử dụng tàu sân bay Carl Vinson như một lá bài để gây sức ép với Triều Tiên được cho là kết quả của chính sách mới của chính quyền Trump, đó là tăng cường sức ép lên Bình Nhưỡng thay vì theo đuổi đàm phán để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.

Nói không đi đôi với làm

Tàu sân bay USS Carl Vinson không có mặt ở biển Nhật Bản trong tuần qua như ông Trump tuyên bố. Ảnh:US Navy

Cho đến nay, chính sách này của ông Trump đã thể hiện được sự thành công nhất định, tháo gỡ một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên bán đảo Triều Tiên, Everard nhận định.

Tuy nhiên, nhiều quan sát viên lo ngại rằng trong khi giải quyết được mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên về ngắn hạn, cách đe dọa sử dụng vũ lực kiểu "hư hư thực thực" của ông Trump có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với Mỹ về lâu dài, làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm khi các quốc gia tìm cách đối phó với một tổng thống Mỹ ngày càng khó lường, theo NYTimes.

"Bắc Kinh, Moscow, Tehran đều đang phải điều chỉnh chiến lược của mình – bạn không thể phủ nhận điều đó – bởi họ không biết ông Trump sẽ phản ứng thế nào", Thượng nghị sĩ Mark Warner thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nói.

"Đây có thể là điều hay trong ngắn hạn", ông nói thêm, "nhưng đó không phải là một chiến lược dài hơi thực sự để thể hiện khả năng lãnh đạo trong một thế giới vốn đang thiếu đi vai trò lãnh đạo của Mỹ". "Trung Quốc, Nga và Iran đều có những chiến lược lâu dài thực sự của mình. Tại sao chúng ta lại không có?", ông Warner đặt câu hỏi.

Tổng thống Trump đã khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lặng người và cả thế giới sửng sốt khi ra lệnh không kích bằng tên lửa hành trình nhắm vào Syria. Nhưng sau màn phô diễn sức mạnh ấn tượng đó, sự cố liên quan đến hành trình của tàu Carl Vinson lại cho thấy giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chưa thực sự xây dựng được mối liên hệ kịp thời, vững chắc.

"Lời nói phải đi đôi với việc làm", Thượng nghị sĩ Jack Reed, cựu thành viên lực lượng biệt kích Mỹ và hiện là ủy viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, tuyên bố. "Nếu đó chỉ là lời lừa gạt, nó thực sự rất nguy hiểm. Nếu đó là vì Tổng thống không được thông tin đầy đủ, nó cũng là rắc rối lớn".

Dư luận Hàn Quốc, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Á, cũng cảm thấy như bị phản bội khi biết được sự thật về hành trình của tàu Carl Vinson. Báo chí nước này giật những dòng tít như "Lời dối trá của Trump về tàu Carl Vinson", trong khi các nghị sĩ Hàn Quốc cảnh báo rằng họ có thể sẽ không bao giờ tin lời Tổng thống Mỹ nữa.

Các nhà ngoại giao cho rằng những ồn ào quanh hành trình của tàu Carl Vinson cho thấy sự bất nhất trong lời nói và hành động của Tổng thống Mỹ, khiến các lãnh đạo thế giới rất khó để đưa ra bất cứ kết luận nào đủ chắc chắn về chính sách đối ngoại của nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:AP

Theo Antony Blinken, phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, khoảng trống giữa lời nói và hành động của ông Trump có thể khiến nước Mỹ gặp khó khăn hơn trong giải quyết những cuộc khủng hoảng tương lai, khi đối phương không còn tin vào những lời đe dọa sử dụng vũ lực của Mỹ.

"Ông ấy tạo ra nguy cơ làm nảy sinh tính toán sai lầm dựa trên những lời nói khoa trương của mình. Nước Mỹ vẫn luôn cho rằng sẽ tốt hơn nếu nói nhỏ nhưng mang theo cây gậy lớn", Blinken nhấn mạnh.

Chuyên đề