Người dân Anh chọn rời EU

Kết quả kiểm phiếu cho thấy người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử hôm qua.

Người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ 51,9% ủng hộ, 48,1% phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, theo BBC.

Người dân ở London và Scotland đều nghiêng về "ở lại" EU nhưng lợi thế này đã mất đi do tỷ lệ ủng hộ thấp ở khu vực phía bắc Anh.

Phó thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel hôm nay mô tả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là "một ngày tồi tệ với châu Âu". Cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb gọi đây là "cơn ác mộng" mà khi tỉnh dậy, các lãnh đạo châu Âu sẽ bị sốc trước kết quả làm rung chuyển liên minh 28 nước.

Geert Wilders, lãnh đạo phe phản đối người nhập cư ở Hà Lan, hôm nay kêu gọi nước này tổ chức trưng cầu dân ý giống Anh. "Chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về đất nước, đồng tiền, biên giới và chính sách nhập cư của riêng chúng tôi", ông cho biết. Người dân Pháp, Hà Lan và Italy cũng có yêu cầu tương tự.

Đồng bảng Anh hôm nay đã mất giá mạnh nhất so với đồng USD kể từ năm 1985 do thị trưởng phản ứng với kết quả kiểm phiếu. Bộ trưởng tài chính Nhật Bản tổ chức họp báo trong bối cảnh đông yên tăng do lo sợ Brexit, tức Anh rời khỏi châu Âu.

Người dân Anh nếu chọn rời khỏi EU sẽ khiến Anh đi theo con đường vô định và là bước thụt lùi lớn nhất đối với nỗ lực tăng cường đoàn kết sau Thế Chiến II, theo Reuters.

Wall Street Journal trước đó dự đoán nếu người dân chọn Brexit, nền chính trị Anh có thể rơi vào hỗn loạn. Thủ tướng Anh David Cameron có nguy cơ đối mặt với sức ép phải từ chức, buộc Anh phải tổ chức tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, Andrew Bridgen, thượng nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit, cho rằng ông Cameron nên tiếp tục làm thủ tướng để trấn an người dân ở Scotland và bắc Ireland, cũng như thị trường.

"Chúng tôi cần sự ổn định. Ông ấy nên tiếp tục", Bridgen trả lời khi được hỏi ông Cameron nên tiếp tục cầm quyền trong bao lâu.

Thủ tướng Cameron, lập trường thân EU và nghiêng về ở lại liên minh, tổ chức trưng cầu dân ý do đối mặt với áp lực từ đảng Bảo thủ và ảnh hưởng ngày càng tăng từ phe phản đối EU. Ông hy vọng cuộc trưng cầu sẽ giúp kết thúc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ về vị trí của Anh ở châu Âu và quan hệ với EU.

Trong chiến dịch vận động bỏ phiếu ở lại, ông khẳng định sẽ không từ chức cho dù kết quả trưng cầu là gì. Tuy nhiên, một số chuyên gia và đảng viên Bảo thủ nói lập trường thân EU sẽ khiến vị trí của ông Cameron lung lay và đảng cầm quyền có cơ chế để buộc ông phải từ chức dù không muốn.

Cựu thị trưởng London Boris Johnson, ủng hộ rời khỏi EU, cùng vợ tại một điểm bỏ phiếu ở bắc London. Ảnh:Reuters.

Chuyên đề