Ngoại trưởng được Trump chỉ định muốn cấm Trung Quốc lên đảo ở Biển Đông

Ngoại trưởng được tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử, ông Rex Tillerson, đưa ra chủ trương có thể gây đối đầu nghiêm trọng giữa Washington và Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ứng viên ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh:Reuters
Ứng viên ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh:Reuters

Trong phiên điều trần hôm qua trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, khi được hỏi về việc làm thế nào để ủng hộ Washington tỏ thái độ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, ông Rex Tillerson cho rằng Trung Quốc nên bị cấm tới các đảo mà nước này xây ở Biển Đông.

"Chúng ta sẽ phải gửi tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc rằng, thứ nhất, việc xây dựng đảo phải dừng lại, thứ hai, họ sẽ không được phép tới các đảo đó nữa", Reuters dẫn lời ông cho biết.

Cựu chủ tịch và giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil không nói rõ các biện pháp được thực hiện để chặn Trung Quốc tới đảo xây trên các thực thể ở Biển Đông, đã được trang bị vũ khí và bãi đáp cho máy bay quân sự.

Đội ngũ chuyển giao quyền lực của Trump chưa bình luận về các biện pháp cụ thể ngăn chặn Trung Quốc đến các đảo nhân tạo.

Ứng viên ngoại trưởng Mỹ cho biết ông xem hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là "cực kỳ đáng lo ngại" và nó có thể là mối đe dọa "nền kinh tế toàn cầu" nếu Bắc Kinh có thể ra lệnh cho việc ra vào ở vùng biển này, vốn có tầm quan trọng quân sự chiến lược và là tuyến thương mại lớn. 

Tillerson cho rằng phản ứng không đầy đủ của Mỹ đã dẫn đến tình hình hiện nay ở Biển Đông. "Phản ứng thất bại của chúng ta đã cho phép họ thúc đẩy phát triển điều này", Tillerson nói về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông.

"Cách chúng ta đối phó với điều này là phải thể hiện sự trở lại trong khu vực với các đồng minh truyền thống tại Đông Nam Á", Tillerson cho biết.

Tillerson gọi việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp với Nhật Bản là "hành động phi pháp".

"Trung Quốc chiếm lãnh thổ hoặc kiểm soát, hoặc tuyên bố kiểm soát các khu vực mà nước này không có quyền hợp pháp", Tillerson nói.

Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối quốc tế. Nước này bồi đắp, cải tạo 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở vật chất, đưa khí tài quân sự trái phép lên đó.  

Chuyên đề