Ngân hàng trung ương Mỹ không vội thay đổi chính sách tiền tệ

Ngày 8/3, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương này đã áp dụng cách tiếp cận "kiên trì và chờ đợi" trong quá trình hoạch định chính sách tiền tệ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: EFE/TTXVN
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: EFE/TTXVN

Trong bài phát biểu tại Đại học Stanford ở bang California, ông Powell cho rằng không cần thiết phải nhanh chóng thay đổi chính sách của Fed.

Ông nêu rõ nền kinh tế Mỹ tăng trưởng khả quan cộng với tỷ lệ lạm phát ở mức thấp đã cho phép Fed áp dụng phương pháp "kiên trì và chờ đợi" trong chính sách tăng lãi suất cơ bản. Mặc dù không nói rõ về quyết định tăng lãi suất, nhưng ông Powell lưu ý rằng tiến trình bình thường hóa bảng cân đối quyết toán sẽ sớm hoàn tất.

Ông nêu rõ các cuộc thảo luận của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch chính sách của Fed, đang diễn ra tốt đẹp và dự kiến bảng cân đối quyết toán sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed nói rằng ngân hàng này sẽ hành động một cách "minh bạch và có thể dự đoán" nhằm giảm thiểu sự gián đoạn thị trường một cách không cần thiết.

Bảng cân đối quyết toán của Fed từng đạt mức cao kỷ lục 4.500 tỷ USD. Kể từ tháng 10/2017, Fed đã cho phép một số trái phiếu đáo hạn mà không cần thay thế chung, qua đó dần thu hẹp bảng cân đối quyết toán xuống còn khoảng 4.000 tỷ USD.

Hồi tháng 1 vừa qua, Fed đã tạm ngừng chu kỳ tăng lãi suất trong 3 năm trong bối cảnh gia tăng mối lo ngại về các nguy cơ. Tỷ lệ lãi suất cơ bản của Fed hiện vẫn duy trì ở mức 2,25-2,5%.

Hiện thị trường đang nín thở chờ đợi động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ sau cuộc họp chính sách dự kiến tổ chức vào ngày 19-20/3 tới.

Fed đã 4 lần tăng lãi suất cho vay trong năm 2018 với lần cuối cùng là trong tháng 12. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, các nhà hoạch định chính sách nhận thấy "triển vọng kinh tế đang trở nên khó đoán định".

Theo Fed, kinh tế toàn cầu "tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng chậm hơn và tâm lý tiêu dùng và kinh doanh đã xấu đi". Bên cạnh đó, các hệ quả từ tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn trên thế giới, cũng như việc Chính phủ Liên bang Mỹ đóng cửa một phần cũng được xem là những yếu tố "góp phần khiến triển vọng kinh tế mất đi sự chắc chắn".

Fed cho biết sẽ có ít đợt tăng lãi suất hơn trong năm 2019 này và tỏ dấu hiệu rằng chu kì siết chặt đang đến gần do tình trạng biến động của thị trường tài chính và tăng trưởng toàn cầu chậm. Fed lưu ý "một vài" đợt tăng lãi suất theo lộ trình sẽ cần đến./. 

Chuyên đề