Ngân hàng Hoàng gia Scotland nhận án phạt kỷ lục vì lừa nhà đầu tư

RBS bị cáo buộc đưa ra báo cáo và dữ liệu sai lệch, che giấu hoặc đánh giá thấp các rủi ro của những khoản vay thế chấp cho nhà đầu tư chứng khoán từ năm 2005 - 2008...
RBS từng là ngân hàng lớn nhất thế giới - Ảnh: Getty Images.
RBS từng là ngân hàng lớn nhất thế giới - Ảnh: Getty Images.

Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) nhận án phạt 4,9 tỷ USD vì hành vi lừa nhà đầu tư trong giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đây là khoản phạt lớn nhất Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra cho một ngân hàng vì sai phạm trong thời kỳ khủng hoảng, CNN cho biết.

"Khoản phạt - lớn nhất từ trước đến nay của loại này - buộc RBS chịu trách nhiệm cho hành vi lừa dối các cá nhân và tổ chức hình thành nên cộng đồng đầu tư của chúng ta", Andrew Lelling, công tố viên liên bang tại Massachusetts, Mỹ, cho biết. 

Từ năm 2005 - 2008, RBS đã "thường xuyên trình bày những báo cáo sai lệch cho các nhà đầu tư" - những người mua chứng khoán được hỗ trợ bởi các khoản thế chấp rủi ro, đồng thời che giấu những rủi ro vỡ nợ cao và cung cấp những dữ liệu thiếu chính xác, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết. 

Tuy nhiên, RBS phủ nhận các cáo buộc và không thừa nhận hành vi sai trái. CEO Ross McEwan của ngân hàng này cho biết "không có chỗ cho những loại hành vi không thể chấp nhận được mà Bộ Tư pháp cáo buộc xảy ra tại RBS mà chúng tôi đang xây dựng ngày nay". 

Năm 2017, RBS đồng ý trả khoản phạt 5,5 tỷ USD trong một phán quyết khác với Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang. Đây được kỳ vọng là khoản phạt lớn cuối cùng đối với ngân hàng này cho những sai phạm thời khủng hoảng. 

RBS từng là ngân hàng lớn nhất thế giới nhưng đang phải vật lộn để hoạt động kể từ khi suýt phá sản và sống sót nhờ gói giải cứu 58 tỷ USD của chính phủ Anh vào năm 2008. Chính phủ Anh hiện vẫn nắm cổ phần đa số tại ngân hàng này, dù án phạt của Bộ Tư pháp Mỹ có thể mở đường cho việc tư nhân hóa. 

Thời gian gần đây, chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều án phạt đối với hàng loạt ngân hàng vì những sai phạm xảy ra thời trước khủng hoảng tài chính. Hồi đầu tháng, Bộ Tư pháp Mỹ cũng phạt Wells Fargo 2,9 tỷ USD với cáo buộc tương tự. Tuy nhiên, công ty này phủ nhận trách nhiệm pháp lý mà phán quyết đưa ra.

Chuyên đề