“Nên giữ tiền trong chứng khoán năm 2019”

(BĐT) - Đó là nhận định của ngân hàng quản lý tài sản lớn nhất thế giới UBS.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Thị trường đã biến động mạnh trong những tháng gần đây khi giới đầu tư tái cân bằng danh mục trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu giảm tốc và sự bất ổn ngày càng tăng cao. Tình trạng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn, khiến một số nhà đầu tư cân nhắc liệu đã đến lúc rút khỏi thị trường chứng khoán và nắm giữ tiền mặt trước khi suy thoái kinh tế xảy ra.

Tuy nhiên UBS cho rằng vẫn còn khả năng kiếm lời trên thị trường chứng khoán trong năm 2019.

“Bạn phải duy trì đầu tư bất kể khả năng chịu rủi ro của bạn tới đâu. Khoảng thời gian từ 18 tháng đến 6 tháng trước suy thoái thường là lúc bạn nhận được phần lớn lợi nhuận bởi khi đó các nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ”, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management Mark Haefele nhận xét.

Ông Haefele lưu ý rằng một số nhà đầu tư đã bỏ qua cơ hội tăng trưởng 10% nếu họ đã bán cổ phiếu của mình vào đêm Giáng Sinh – khi chứng khoán Mỹ trải qua một đợt bán tháo lớn – và quay trở lại thị trường trong tháng này. Ngoài ra, một cuộc suy thoái toàn cầu có thể không xảy ra trong năm nay, do đó lợi nhuận của các công ty sẽ được tăng trưởng mặc dù tốc độ chậm hơn trước, ông nói.

Ông Haefele cho biết UBS đánh giá nên tăng tỷ trọng đầu tư đối với cổ phiếu toàn cầu, đồng thời khuyến nghị các nhà đầu tư nên đa dạng hóa cổ phiếu ở nhiều thị trường để hạn chế rủi ro. “Tại thời điểm này, tốt hơn là nên đầu tư toàn cầu”, ông cho hay.

Tan Min Lan, Trưởng bộ phận đầu tư châu Á Thái Bình Dương tại UBS Global Wealth Management, cho biết UBS ưa thích “cổ phiếu châu Á có tỷ lệ cổ tức cao” như các ngân hàng lớn của Trung Quốc và các quỹ ủy thác đầu tư bất động sản tại Singapore và Hong Kong có vốn hóa lớn.

“Nếu tính đến các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, cùng với tốc độ tăng trưởng tích cực và sự nới lỏng trong chính sách của Trung Quốc vẫn tiếp diễn, thị trường chứng khoán có thể quay trở lại chiếm 12-15% tổng lợi nhuận”, bà Tan cho hay.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng tới tăng trưởng của châu Á không chỉ trong năm 2019 mà còn trong những năm tới, bà Tan nhận xét.  

Chuyên đề