Mỹ tố công ty chip Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại

Động thái mới nhất trong chuỗi vụ kiện nhằm chống lại điều mà Washington cho là hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc...
Phát triển ngành sản xuất con chip là một ưu tiên chiến lược của Trung Quốc - Ảnh: Nikkei.
Phát triển ngành sản xuất con chip là một ưu tiên chiến lược của Trung Quốc - Ảnh: Nikkei.

Một công ty quốc doanh sản xuất con chip của Trung Quốc vừa bị Mỹ cáo buộc thông đồng đánh cắp bí mật thương mại của hãng chip Mỹ Micron Technology.

Theo hãng tin Bloomberg, đây là động thái mới nhất của Bộ Tư pháp Mỹ trong chuỗi vụ kiện nhằm chống lại điều mà Washington cho là hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc.

Công ty Fujian Jinhua Intergrated Circuit Co. của Trung Quốc và công ty United Microelectronics Corp. (UMC) của vùng lãnh thổ Đài Loan, cùng ba cá nhân khác bị nhà chức trách ở California buộc tội đánh cắp bí mật thương mại - Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố ngày thứ Năm. Ngoài ra, Mỹ cũng kiện nhằm cấm các công ty này xuất khẩu sang Mỹ bất kỳ sản phẩm nào được tạo ra dựa trên các bí mật thương mại bị cho là bị đánh cắp.

"Hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc nhằm vào nước Mỹ đang ngày càng tăng, và tăng với tốc độ nhanh chóng", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nói tại một cuộc họp báo ở Washington. "Đã đến lúc Trung Quốc cần gia nhập cộng đồng các quốc gia tuân thủ luật pháp. Thương mại quốc tế đã mang lại những điều tốt đẹp cho Trung Quốc, nhưng sự lừa dối phải chấm dứt".

Vụ kiện trên được công bố khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố một sáng kiến mới nhằm ngăn điều mà Washington cho là nỗ lực của Trung Quốc nhằm đánh cắp bí mật công nghệ và thương mại của Mỹ thông qua tấn công mạng hoặc bằng nội gián. Bộ trưởng Sessions nói rằng Bộ Tư pháp Mỹ sẽ cùng với Cục Điều tra Liên bang (FBI) và một nhóm chưởng lý Mỹ đẩy mạnh việc thực thi sáng kiến này.

Cáo buộc mà Mỹ đưa ra đối với Jinhua và UMC tiếp sau một loạt vụ kiện khác nhằm vào các cá nhân bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ cho Trung Quốc. Hôm thứ Ba, Mỹ tố một số điệp viên Trung Quốc hợp tác với hacker và nội gián đánh cắp bí mật thương mại hàng không.

Đánh cắp tài sản trí tuệ là một trong những cáo buộc chính mà chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Mới hôm thứ Hai, Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm yêu cầu các công ty Mỹ không bán linh kiện, công nghệ và hàng hóa cho Jinhua.

Phát triển ngành sản xuất con chip là trọng tâm trong chiến lược phát triển công nghệ của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghệ. Hiện nước này chưa có công ty nào trong danh sách 10 hãng sản xuất con chip lớn nhất thế giới.

Jinhua là một công ty nòng cốt trong chiến lược phát triển công nghiệp chip của Trung Quốc, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ về vốn và chính sách từ Chính phủ.

Hãng chip Mỹ Micron được xem là một đối thủ chính của Jinhua và hiện đang có một số tranh chấp với công ty này. Thời gian qua, Jinhua đã có nhiều nỗ lực nhằm giành một chỗ đứng trên thị trường chip nhớ - lĩnh vực hiện nằm dưới sự thống lĩnh của Micron cùng hai công ty Hàn Quốc là Samsung và SK Hynix.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Jinhua là một công ty quốc doanh được Chính phủ Trung Quốc cấp vốn nhằm thiết kế và sản xuất loại chip DRAM. Cáo buộc nói rằng trước khi Jinhua đánh cắp công nghệ từ Micron, Trung Quốc chưa hề sở hữu công nghệ DRAM.

Micron, công ty có trụ sở ở Idaho, là công ty duy nhất của Mỹ sản xuất DRAM. Năm ngoái, Micron đã kiện UMC và Jinhua, cho rằng hai công ty này đánh cắp bí mật thương mại của Micron.

Hồi tháng 1 năm nay, UMC kiện Micron, cáo buộc đối thủ Mỹ vi phạm bằng sáng chế ở Trung Quốc về bộ nhớ và các sản phẩm khác. Hồi tháng 7, một tòa án Trung Quốc ban lệnh cấm bán tạm thời chip Micron ở nước này.

Chuyên đề