Mỹ tạm nới trừng phạt Huawei trong 3 tháng

"Mục đích ở đây là ngăn các hệ thống Internet, máy tính và điện thoại di động rơi vào tình trạng bị sập"...
Trụ sở của Huawei ở thành phố Đông Quản, Trung Quốc - Ảnh: Getty/CNBC.
Trụ sở của Huawei ở thành phố Đông Quản, Trung Quốc - Ảnh: Getty/CNBC.

Chính phủ Mỹ ngày 20/5 tuyên bố tạm thời nới một số hạn chế áp lên công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei vào tuần trước. Động thái này được xem là nhằm hạn chế sự gián đoạn đối với khách hàng của Huawei trên toàn thế giới.

Theo tin từ Reuters, Bộ Thương mại Mỹ cho phép Huawei được tiếp tục mua công nghệ và linh kiện của Mỹ để duy trì các hệ thống mạng hiện có và cung cấp cập nhật phần mềm đối với các thiết bị di động Huawei mà người tiêu dùng đang sử dụng.

Tuy nhiên, Huawei vẫn sẽ bị cấm mua hàng Mỹ để phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm mới nếu không có sự cấp phép của Chính phủ Mỹ - một việc nhiều khả năng sẽ bị Washington từ chối nếu Huawei có xin phép.

Với sự nới lỏng trên, các nhà mạng viễn thông sử dụng thiết bị Huawei sẽ có thời gian để sắp xếp - Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trong một tuyên bố.

Có hiệu lực trong 90 ngày, sự nới lỏng trừng phạt là bằng chứng cho thấy rằng khách hàng của Huawei sẽ hứng chịu những hậu quả ngay lập tức, sâu rộng, và không thể lường hết từ biện pháp mà Chính phủ Mỹ đưa ra đối với công ty này.

"Mục đích ở đây là ngăn các hệ thống Internet, máy tính và điện thoại di động rơi vào tình trạng bị sập", luật sư Kevin Wolf ở Washington, một cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, nhận xét.

Trước khi Mỹ có động thái nới trừng phạt Huawei, đã có tin Google dừng việc cấp phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật cho Huawe, ngoại trừ nhưng dịch vụ sẵn có thông qua cấp phép mã nguồn mở. Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin nói rằng, sau khi Washington tuyên bố nới trừng phạt Huawei, Google cũng tạm gác lại kế hoạch dừng cung cấp cho đối tác Trung Quốc.

Hiện Google chưa đưa ra thông tin chính thức nào về vấn đề này. Huawei cũng từ chối bình luận.

Tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ cho biết việc nới trừng phạt đối với Huawei có tác dụng như một giấy phép tạm thời có hiệu lực đến ngày 19/8.

"Tôi cho rằng đây là một sự kiểm tra tình hình thực tế", luật sư thương mại Douglas Jacobson ở Washington phát biểu. "Vấn đề nằm ở chỗ sản phẩm và công nghệ của Huawei có độ phủ sóng rộng rãi khắp thế giới, và nếu Mỹ đặt ra hạn chế, việc đó sẽ có ảnh hưởng rất lớn".

Việc Mỹ nới trừng phạt Huawei được giới chuyên gia đánh giá là tương tự như động thái của nước này hồi tháng 7 năm ngoái đối với ZTE, một công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc khác.

Vào tháng 4/2018, Mỹ cấm ZTE mua linh kiện và công nghệ của Mỹ. Giới thạo tin nói rằng ở thời điểm đó, các nhà mạng viễn thông ở châu Âu và Nam Á đã khốn đốn vì lệnh cấm của Mỹ.

Vào ngày 13/7/2018, Mỹ đã dỡ trừng phạt ZTE sau khi công ty này nộp phạt 1,4 tỷ USD cho Chính phủ Mỹ và chấp nhận yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo. Sau đó, ZTE mới có thể trở lại với hoạt động bình thường từ chỗ ngấp nghé bờ vực sụp đổ vì sự trừng phạt của Washington.

Chuyên đề