Mỹ sẵn sàng bỏ căn cứ quân sự ở Qatar

Mỹ sẵn sàng rời căn cứ không quân lớn nhất Trung Đông tại Qatar nếu cuộc khủng hoảng vùng Vịnh diễn biến theo chiều hướng xấu.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ tại căn cứ không quân al-Udeid, Qatar. Ảnh:AP.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ tại căn cứ không quân al-Udeid, Qatar. Ảnh:AP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/7 cho biết quân đội nước này có thể rời bỏ căn cứ không quân al-Udeid ở Qatar mà không gặp nhiều trở ngại, Business Insider hôm qua đưa tin.

Ông Trump bày tỏ hy vọng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Qatar cũng như hoạt động của căn cứ al-Udeid tại đây, nhưng nhấn mạnh trong trường hợp cần thiết, sẽ có nhiều quốc gia sẵn sàng xây dựng căn cứ mới cho Washington.

"Nếu Mỹ phải rời căn cứ al-Udeid, hãy tin tôi, sẽ có 10 quốc gia sẵn sàng trả tiền để xây dựng cho chúng ta một căn cứ tương tự", ông Trump tuyên bố.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis hồi đầu tuần tuyên bố Mỹ cũng đang cân nhắc việc xây dựng căn cứ khác ở Trung Đông như một phần trong kế hoạch quân sự cơ bản.

"Với bất cứ hoạt động quân sự nào, bạn luôn phải có các phương án dự phòng theo tiêu chuẩn. Chúng tôi cũng thế. Nhưng trong trường hợp này, tôi tin rằng căn cứ tại Qatar vẫn có thể được sử dụng", quan chức quân sự Mỹ cho biết.

al-Udeid là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông cũng nơi đặt sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ, với quân số thường trực khoảng 10.000 binh sĩ.

Mỹ sẵn sàng bỏ căn cứ quân sự ở Qatar ảnh 1

Căn cứ al-Udeid ở Qatar. Đồ họa:Military.

Khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh bùng phát khi Arab Saudi và một số quốc gia trong khối Arab như Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 5/6 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ Iran và các nhóm khủng bố.

Động thái này đẩy Qatar vào tình trạng hỗn loạn và tạo ra cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở vùng Vịnh kể từ sau chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ vào Iraq năm 1991. Qatar mới đây từ chối chấp thuận những yêu cầu do các nước Arab đề ra để dỡ bỏ phong tỏa, khiến cuộc khủng hoảng có nguy cơ kéo dài.

Chuyên đề