Mỹ phạt 6 ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ do vi phạm lệnh trừng phạt Iran

Tờ báo Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ số ra ngày 21/10 trích dẫn một báo cáo cho biết sáu ngân hàng nước này đang đối mặt với khoản tiền phạt lên tới hàng tỷ USD từ Chính phủ Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt chống Iran.
(Nguồn: eturbonews.com)
(Nguồn: eturbonews.com)

Mặc dù không nêu rõ tên của sáu ngân hàng trên, song tờ báo Haberturk cũng cho biết một trong số những ngân hàng này sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới hơn 5 tỷ USD, trong khi năm ngân hàng còn lại sẽ chịu mức phạt thấp hơn.

Dự kiến, giới chức Mỹ sẽ thông báo chi tiết mức phạt tới các ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ trong vài ngày tới và những ngân hàng này cũng có thể đàm phán để được giảm mức tiền phạt.

Trong những năm gần đây, chính quyền Washington đã phạt nhiều ngân hàng trên thế giới với mức tiền phạt lên tới hàng tỷ USD với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt Iran và nhiều quốc gia khác.

Trong khi đó, theo các quan chức cấp cao phụ trách kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đến thời điểm này, Ankara vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía Mỹ về các hình phạt trên, đồng thời cho biết giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm đưa ra một tuyên bố về vấn đề này. 

Trước đó, hồi đầu tháng Chín, các công tố viên tại New York (Mỹ) đã cáo buộc cựu Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Zafer Caglayan cùng với một cựu quản lý ngân hàng nhà nước Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ và hai người khác lợi dụng hệ thống tài chính của Mỹ để giúp chính phủ và nhiều thực thể của Iran có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ chuyển hàng trăm triệu USD.

Đây là lần đầu tiên một cựu quan chức có mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bị cáo buộc trong cuộc điều tra gây căng thẳng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ này. Tổng thống Erdogan đã coi hành vi cáo buộc cựu Bộ trưởng Caglayan mang động cơ chính trị nhằm chống lại chính quyền Ankara, đồng thời yêu cầu Washington thay đổi quyết định.

Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng kể từ khi xảy ra vụ đảo chính bất thành của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Bảy năm ngoái. Chính quyền Ankara cáo buộc giáo sĩ sống lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen chủ mưu vụ này. Đến nay, Mỹ vẫn từ chối dẫn độ vị giáo sỹ này về Thổ Nhĩ Kỳ.

Và mới đây nhất quan hệ giữa hai nước một lần nữa gia tăng căng thẳng sau khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Istanbul do nghi ngờ có quan hệ với nhóm mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.

Phản đối vụ bắt giữ này, Mỹ đã quyết định ngừng cấp thị thực không định cư cho các nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc Ankara áp dụng biện pháp trả đũa tương tự và ra lệnh bắt giữ thêm một nhân viên khác làm việc cho Lãnh sự quán Mỹ. Đây là một trong những căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa hai quốc gia vốn là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này./.

Chuyên đề