Mỹ kiện ngân hàng UBS với cáo buộc gian lận bán trái phiếu nhà ở

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, trong hai năm 2006 và 2007, UBS đã lừa gạt các nhà đầu tư về chất lượng của các thế chấp dưới chuẩn, trị giá hàng tỷ USD, vốn là cơ sở đảm bảo cho 40 thỏa thuận phái sinh.

Nhà chức trách Mỹ ngày 8/11 đã kiện "gã khổng lồ" trong lĩnh vực ngân hàng của Thụy Sĩ UBS với cáo buộc ngân hàng này gian lận trong việc bán trái phiếu nhà ở bảo đảm bằng thế chấp trong thời gian trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ, trong hai năm 2006 và 2007, UBS đã lừa gạt các nhà đầu tư về chất lượng của các thế chấp dưới chuẩn, trị giá hàng tỷ USD, vốn là cơ sở đảm bảo cho 40 thỏa thuận phái sinh.

Trong khi đó, giới chức tư pháp thành phố New York cho rằng các khách hàng đã mua trái phiếu đảm bảo bằng thế chấp của UBS phải chịu thiệt hại nặng nề, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư mà còn góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.

Cho vay thế chấp dưới chuẩn cho phép những người đi vay - vốn bị xếp hạng tín dụng thấp và có thu nhập kém, được tham gia các sản phẩm tài chính và bán cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, do những người đi vay này không thể trả được nợ đối với nhiều khoản thế chấp, nên các nhà đầu tư đã không thể đánh giá phần nào của khoản vay thế chấp trong các công cụ tài chính là kém chất lượng.

Những sản phẩm này là tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, kéo theo suy thoái toàn cầu và đẩy hệ thống tài chính quốc tế đến bên bờ vực sụp đổ.

Phản ứng trước động thái trên của Mỹ, UBS khẳng định các cáo buộc mà Mỹ đưa ra không đúng với thực tế và ngân hàng này tin tưởng vào địa vị pháp lý của mình cũng như sẵn sàng chống lại bất kỳ cáo buộc nào.

Cũng trong ngày 8/11, các công tố viên Pháp đã yêu cầu UBS nộp phạt 3,7 tỷ euro (tương đương 4,2 tỷ USD) với lý do UBS đã giúp các khách hàng nước này gian lận thuế và rửa tiền.

Bên cạnh đó, các công tố viên Pháp còn yêu cầu phạt 24 tháng tù treo đối với 6 nhà quản lý và cựu quản lý UBS, buộc những người này phải nộp khoản tiền phạt từ 50.000 euro đến 500.000 euro.

Theo các nhà điều tra Pháp, các nhân viên UBS đã tiếp cận các khách hàng giàu có của Pháp, từ doanh nhân, đến ngôi sao thể thao, thuyết phục họ gửi tiền ở Thụy Sĩ, để trốn các khoản thuế, với tổng giá trị lên tới 10 tỷ euro, trong giai đoạn từ năm 2004-2012.

Tuy nhiên, UBS đã bác bỏ cáo buộc trên. Theo ngân hàng trên, luật pháp không quy định ngân hàng phải kiểm tra nghĩa vụ thuế của các khách hàng tại quê hương của họ./. 

Chuyên đề