Mỹ khó chặn đứng nguồn dầu của Triều Tiên

Giới phân tích nhận định Tổng thống Donald Trump có rất ít cơ hội trong việc thuyết phục Nga và Trung Quốc cắt đứt nguồn cung dầu cho Triều Tiên.
Một tàu chở dầu của Triều Tiên tại cảng ở Hàn Quốc. Ảnh:CNN
Một tàu chở dầu của Triều Tiên tại cảng ở Hàn Quốc. Ảnh:CNN

Mỹ muốn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chấp thuận hàng loạt lệnh trừng phạt mới, trong đó có lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu dầu sang Triều Tiên, sau khi nước này thử nghiệm vũ khí cuối tuần trước. Các chuyên gia cho rằng lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ là bước ngoặt lớn trong các nỗ lực kiềm chế Triều Tiên.

"Chưa ai thử làm điều đó bao giờ", Kent Boydston - nhà phân tích tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét trên CNN, "Đây sẽ là một loại trừng phạt khác, có tác động lớn hơn đến nền kinh tế".

Lệnh cấm vận dầu mỏ kéo dài có thể khiến kinh tế Triều Tiên suy kiệt. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ phải cần sự trợ giúp của Trung Quốc - đối tác thương mại chính của Triều Tiên, và Nga. Cả hai nước này đều có thể phủ quyết đề xuất này tại Liên hợp Quốc.

"Vì những diễn biến mới tại bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đồng ý rằng Hội đồng Bảo an nên có thêm động thái và các biện pháp cần thiết. Trung Quốc sẽ tăng cường trao đổi với các bên liên quan với thái độ khách quan, công bằng và có trách nhiệm", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị cho biết.

Tuy nhiên, khủng hoảng leo thang tại Triều Tiên là vấn đề đau đầu với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình. Ông đang cần tầm ảnh hưởng và sự ổn định trước thềm một cuộc họp quan trọng tuần tới tại nước này.

Việc này khiến các chuyên gia nghi ngờ khả năng ông Tập có thể mạnh tay với Triều Tiên. "Rõ ràng là Trung Quốc sẽ không kiềm chế nguồn cung dầu cho nước láng giềng", hai nhà phân tích Peter Hayes và David von Hippel tại Viện Nautilus cho biết trong một báo cáo về năng lượng tuần này.

Hồi tháng 4, tờ Global Times tuyên bố Bắc Kinh có thể cắt nguồn dầu cho Triều Tiên nếu họ thử nghiệm hạt nhân lần nữa. Tuy nhiên, sau động thái tuần trước của nước láng giềng, họ lại khẳng định việc này khó có thể kiềm chế chương trình hạt nhân và chỉ khiến Trung Quốc đối đầu với Triều Tiên.

Việc ngừng hoặc giảm cung dầu cho Triều Tiên sẽ "giảm ảnh hưởng của Trung Quốc lên Bình Nhưỡng", Nautilus giải thích.

Giới phân tích cho biết Trung Quốc là nhà cung cấp chính, vận chuyển dầu cho nước láng giềng qua hệ thống đường ống. Tuy nhiên, cách đây 3 năm, họ đã ngừng công bố số liệu dầu mỏ giao dịch giữa hai nước. Vì thế, kể cả khi Bắc Kinh đồng ý hạn chế xuất khẩu dầu, việc này cũng rất khó theo dõi.

Tổng thống Nga - Vladimir Putin cũng phản đối lệnh cấm nhập dầu. Hôm thứ Tư, ông trả lời Tổng thống Hàn Quốc - Moon Jae-in rằng mình lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến người dân.

Hayes và von Hippel cũng nhận định việc này không thể có nhiều tác động lên chương trình hạt nhân và quân sự của Triều Tiên trong ngắn hạn. Vì họ có thể tích trữ đủ dùng. Thay vào đó, tác động lớn hơn sẽ do người dân gánh chịu.

"Mọi người sẽ phải đi bộ, hoặc chẳng đi đâu cả. Các căn nhà sẽ có ít ánh đèn hơn vì thiếu dầu đốt", họ cảnh báo. Việc này có thể khiến người Triều Tiên chuyển sang các loại năng lượng khác, như than đá hay năng lượng mặt trời để sinh hoạt và đun nấu.

Chuyên đề