"Mối nguy hiểm" khi Facebook chia sẻ dữ liệu người dùng với 4 công ty Trung Quốc

Dữ liệu này bao gồm công việc, học vấn, tình trạng quan hệ, sở thích của người dùng và cả thông tin về bạn bè họ...
Facebook Inc. mới đây xác nhận đã có thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với 4 nhà sản xuất thiết bị tiêu dùng của Trung Quốc, gồm Huawei, Lenovo, OPPO và TCL.
Facebook Inc. mới đây xác nhận đã có thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với 4 nhà sản xuất thiết bị tiêu dùng của Trung Quốc, gồm Huawei, Lenovo, OPPO và TCL.

Facebook Inc. mới đây xác nhận đã có thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với 4 nhà sản xuất thiết bị tiêu dùng của Trung Quốc, gồm Huawei, Lenovo, OPPO và TCL, làm gia tăng quan ngại khi mạng xã hội này liên tục khiến người dùng Facebook hoang mang không biết thông tin cá nhân của họ được sử dụng như thế nào, hãng tin Bloomberg cho biết. 

Thông tin này được Facebook tiết lộ sau khi Mark Warner, nghị sĩ thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện nói rằng ông nhận thấy "mối nguy hiểm nghiêm trọng" khi Facebook chia sẻ thông tin của người dùng với các nhà sản xuất thiết bị của Trung Quốc vào ngày 5/6. 

Trong khi đó, Facebook cho biết mạng xã hội này đã rất cẩn trọng với các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu người dùng - vốn được thực hiện nhằm giúp các nhà sản xuất smartphone xây dựng các phiên bản ứng dụng Facebook tùy chỉnh trên thiết bị của họ. Dữ liệu ở đây bao gồm công việc, học vấn, tình trạng quan hệ, sở thích của người dùng và cả thông tin về bạn bè họ. 

"Hợp tác giữa Facebook với Huawei, Lenovo, OPPO và TCL được kiểm soát ngay từ đầu và chúng tôi là đơn vị thông qua những trải nghiệm Facebook mà các công ty này xây dựng", Francisco Varela, phó chủ tịch phụ trách hợp tác di động của Facebook cho biết trong một thông cáo. "Chúng tôi muốn nói rõ rằng tất cả dữ liệu cá nhân chia sẻ với Huawei được lưu trữ trên thiết bị (họ sản xuất), chứ không phải trên máy chủ của Huawei". 

Facebook hiện đang phải hồi đáp lại những nghi vấn trên khắp toàn cầu về cách thức xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng, đến từ các nhà làm luật, tổ chức ủng hộ quyền riêng tư tại Mỹ và châu Âu. 

Tháng 4 vừa rồi, giám đốc điều hành Mark Zuckerberg của Facebook đã trải qua 10 tiếng điều trần trước Quốc hội Mỹ sau khi vụ việc công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica được tiết lộ đã tiếp cận bất hợp pháp thông tin cá nhân của hàng chục triệu người dùng Facebook. Khi đó, Zuckerberg đã nói trước Quốc hội rằng các chính sách của Facebook sẽ không để những vụ việc tương tự xảy ra. 

Hôm 3/6, tờ New York Times đưa tin cho biết trong nhiều năm qua, Facebook đã có thỏa thuận chia sẻ dữ liệu người dùng với khoảng 60 nhà sản xuất thiết bị di động, cho họ quyền tiếp cận lượng thông tin khổng lồ về người dùng Facebook và bạn bè của họ. 

Hiện chưa rõ các đối tác này có lợi dụng những thông tin này hay chuyển chúng cho một bên thứ 3 trái phép hay không. Tuy nhiên, tiết lộ trên như "dầu đổ vào lửa", làm gia tăng sự ngờ vực của dư luận vào mạng xã hội lớn nhất thế giới với 2 tỷ người dùng hàng tháng cùng nhiều ứng dụng phổ biến như Instagram, WhatsApp và Messenger. 

Thỏa thuận của Facebook với các nhà sản xuất thiết bị di động Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, khiến các nhà làm luật Mỹ càng thêm nghi vấn về việc dữ liệu về người dùng được lưu trữ và sử dụng như thế nào. 

Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất tại Trung Quốc, được thành lập vào năm 1988 bởi cựu sĩ quan quân đội Ren Zhengfei. Quốc hội Mỹ đã ra lệnh cấm Bộ Quốc phòng nước này mua thiết bị từ Huawei, cùng với ZTE Corp., cho rằng hai công ty này có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc và có khả năng đánh cắp sở hữu trí tuệ và hoạt động gián điệp. 

Hồi tháng 4, Facebook nói rằng công ty này đang dừng hết các thỏa thuận hợp tác chia sẻ dữ liệu với các nhà sản xuất thiết bị, sau bê bối liên quan tới Cambridge Analytica. Sau khi tờ New York Times tiết lộ tên của các nhà sản xuất này, Facebook tuyên bố sẽ cắt hợp tác với Huawei trong tuần này. Hiện tại, thỏa thuận với cả 4 công ty Trung Quốc của mạng xã hội này vẫn còn hiệu lực. 

Chuyên đề