Lời hứa "đưa bầu trời xanh trở lại" của Trung Quốc bắt đầu có kết quả

Người dân sống ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang được hưởng bầu không khí trong lành nhất trong 1 thập kỷ...
Một phụ nữ cầm ô đi dưới bầu trời trong xanh ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, tháng 7/2018 - Ảnh: Bloomberg.
Một phụ nữ cầm ô đi dưới bầu trời trong xanh ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, tháng 7/2018 - Ảnh: Bloomberg.

Người dân sống ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang được hưởng bầu không khí trong lành nhất trong 1 thập kỷ, bởi cuộc chiến chống khói bụi của Chính phủ nước này đã bắt đầu mang lại kết quả.

Hãng tin Bloomberg dẫn dữ liệu do đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh thu thập được cho thấy, trong 7 lần chỉ số ô nhiễm hàng tháng ở thành phố này giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, có 5 lần được ghi nhận kể từ mùa hè năm ngoái đến nay. Mức ô nhiễm trung bình của tháng 7 vừa qua là 44 microgam hạt ô nhiễm trên mỗi mét khối không khí, mức thấp thứ 7 kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 2008.

Bắt đầu từ mùa hè 2017, Bắc Kinh đẩy mạnh thực thi chính sách hạn chế đốt than ở Bắc Kinh và các tỉnh thành lân cận. Chất lượng không khí ngày càng tốt lên ở thành phố này là bằng chứng cho thấy chính sách chống ô nhiễm đã đạt thành công đáng kể.

Vào năm 2013, Bắc Kinh rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, với mật độ hạt ô nhiễm siêu nhỏ trong không khí cao gấp 35 lần so với giới hạn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa chống ô nhiễm không khí trở thành một trong những ưu tiên chính của nước này, hàng triệu cơ sở kinh doanh và hộ gia đình ở miền Bắc Trung Quốc đã buộc phải chuyển từ đốt than sang dùng khí đốt (gas) cho phát điện công nghiệp và sưởi ấm.

"Trung Quốc đã đưa ra một lời hứa rất rõ ràng về ‘đưa bầu trời trong xanh trở lại’", ông Tim Buckley, một chuyên gia về nghiên cứu tài chính năng lượng thuộc Viện Kinh tế học năng lượng và phân tích tài chính ở Sydney, nhận định. "Hầu như không có tuần nào mà Trung Quốc không đưa ra quy định hay chính sách mới để thực thi cam kết này".

Do sử dụng khí đốt ngày càng nhiều, Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu gas lớn nhất thế giới, theo đó đẩy giá khí hóa lỏng (LNG) thế giới trong mùa đông năm ngoái lên mức cao nhất kể từ năm 2014.

Việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng và công suất của các nhà máy thép nhằm giảm ô nhiễm cũng góp phần đẩy giá cốt thép giao sau trên thị trường quốc tế lên mức cao nhất kể từ năm 2013.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống ô nhiễm của Trung Quốc còn một chặng đường dài phải đi.

Nước này hiện đang nỗ lực để giảm tỷ trọng của than trong tổng tiêu thụ năng lượng về mức 58% vào năm 2020, từ mức khoảng 60% hiện nay. Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc sẽ tăng cường dùng gas cho sưởi ấm tại các hộ gia đình và phát nhiệt trong công nghiệp. Ngoài ra, nước này cũng sẽ tăng sử dụng nguồn điện hạt nhân để thay thế cho nhiệt điện từ các nhà máy chạy than.

Cuộc chiến thuế quan giữa Bắc Kinh với chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể làm gia tăng chi phí nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã đưa LNG Mỹ vào danh sách áp thuế quan 25% để trả đũa việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc.

Điều này cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng "chịu đau" chứ không lùi bước trước Mỹ trong cuộc chiến thương mại.

Chuyên đề