Lên sàn hai phiên, Uber mất gần 15 tỷ USD vốn hóa

Giá cổ phiếu Uber giảm gần 11% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, nối tiếp cú giảm chóng mặt vào hôm thứ Sáu...
Các nhà giao dịch trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, trong phiên chào sàn của cổ phiếu Uber hôm 10/5 - Ảnh: Getty/CNBC.
Các nhà giao dịch trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, trong phiên chào sàn của cổ phiếu Uber hôm 10/5 - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá cổ phiếu Uber giảm gần 11% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, nối tiếp cú giảm chóng mặt vào hôm thứ Sáu trong phiên đầu tiên giao dịch trên thị trường đại chúng.

Theo hãng tin Reuters, giá cổ phiếu công ty ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới có thời điểm chạm đáy 36,58 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tuần, so với mức giá 45 USD/cổ phiếu trong vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hôm thứ Năm tuần trước. Ở đáy này, vốn hóa của Uber giảm khoảng 15 tỷ USD so với mức vốn hóa IPO.

Trước đó, trong phiên chào sàn ngày thứ Sáu, cổ phiếu Uber rớt 7,6%.

Lúc đóng cửa phiên đầu tuần, cổ phiếu Uber giảm gần 11%, còn 37 USD/cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa khoảng 68,2 tỷ USD.

Mức vốn hóa này của Uber chỉ bằng hơn một nửa so với mức định giá 120 tỷ USD mà giới phân tích đồn đoán khi Uber mới hé lộ ý định lên sàn. Trong vụ IPO, Uber định giá công ty ở mức 82,4 tỷ USD.

Hai phiên giảm chóng mặt liên tiếp của cổ phiếu Uber diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu bán tháo vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh trở lại. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là giới đầu tư không dám chắc đến bao giờ công ty này mới có thể làm ăn có lãi.

Cổ phiếu Lyft, đối thủ "nhỏ con" hơn của Uber giảm 7,3% trong phiên ngày thứ Hai, nối tiếp xu hướng trượt dài từ sau vụ IPO hồi cuối tháng 3. Kể từ khi lên sàn, cổ phiếu Lyft đã giảm khoảng 35%.

Một lá thư gửi nhân viên của Tổng giám đốc (CEO) Uber, ông Dara Khosrowshahi, do Reuters thu thập được thừa nhận rằng cổ phiếu công ty "không có được diễn biến khả quan như chúng tôi hy vọng sau IPO". Tuy nhiên, ông Khosrowshahi nhấn mạnh "tâm lý không thể thay đổi ngay, và tôi cho rằng sẽ còn khó khăn về giá cổ phiếu trong mấy tháng tới. Nhưng chúng ta có đủ vốn cần thiết cho con đường đi đến lợi nhuận".

Trong lúc cả Uber và Lyft đều đang cố gắng tìm cách giảm chi phí để có lãi, giới tài xế đã biểu tình tại nhiều thành phố của Mỹ trong tháng 5 này, đòi đảm bảo công việc, thu nhập đủ cho cuộc sống, và đưa ra một mức trần về phí mà tài xế phải nộp cho công ty.

Giới đầu tư lo ngại rằng chi phí gia tăng có thể khiến Uber và Lyft càng khó có lãi hơn. Một số chuyên gia nói rằng chi phí sẽ chỉ tăng lên khi doanh thu của hai công ty này tăng và các đòi hỏi của cánh tài xế cũng tăng.

Tuần trước, Lyft báo khoản lỗ quý 1,1 tỷ USD. Trong hồ sơ IPO, Uber cảnh báo có thể không bao giờ có lãi.

Chuyên đề