Lạc quan thương mại giúp S&P 500 tăng phiên thứ tư liên tục

Thái độ mềm mỏng hơn của Tổng thống Donald Trump với hãng công nghệ ZTE của Trung Quốc giúp thị trường yên tâm...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ có một phiên giao dịch giằng co vào ngày thứ Hai, nhưng kết thúc phiên trong trạng thái tăng điểm, nhờ thái độ mềm mỏng hơn của Tổng thống Donald Trump với hãng công nghệ ZTE của Trung Quốc. Tuy vậy, sự giảm giá của nhóm cổ phiếu quốc phòng đã hạn chế mức tăng điểm của các chỉ số.

Theo tin từ Reuters, vào đầu phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 có lúc đạt mức cao nhất trong 2 tháng. Lúc đóng cửa, S&P không giữ được toàn bộ thành quả tăng này, nhưng vẫn có được chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp.

Giới đầu tư lạc quan sau khi ông Trump tuyên bố vào hôm Chủ nhật rằng ông sẽ giúp hãng công nghệ ZTE của Trung Quốc "hoạt động bình thường trở lại, một cách nhanh chóng". Tuyên bố này được đưa ra sau gần một tháng Bộ Thương mại Mỹ áp lệnh cấm các công ty Mỹ không được bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm. Lệnh cấm này đã khiến ZTE, một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, phải dừng các hoạt động chính.

Sự mềm mỏng của ông Trump được đưa ra trước thêm một cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung tại Washington vào tuần này.

"Hy vọng là họ có thể đạt thỏa thuận tốt cho cả hai nước, giữ hai nền kinh tế đi đúng hướng và không rơi vào một cuộc chiến tranh thương mại", ông Chuck Carlson, Giám đốc điều hành (CEO) thuộc Horizon Investment Services, phát biểu.

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 0,27%, đạt 24.899,41 điểm. S&P tăng 0,09%, đạt 2.730,13 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,11%, đạt 7.411,32 điểm.

Đến thời điểm này đã có 91% các công ty thuộc S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý 1, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, giờ đây các nhà đầu tư gần như chắc chắn lợi nhuận của mọi công ty đều tốt, nên họ chuyển sang quan tâm về triển vọng lợi nhuận của quý tới năm tới. Bởi vậy, cổ phiếu của một công ty dễ dàng giảm điểm sau khi báo lợi nhuận tốt, nếu như triển vọng lợi nhuận kém tươi sáng.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành trong S&P, nhóm quốc phòng, viễn thông và bất động sản cùng giảm phiên này, trong đó mức giảm mạnh nhất thuộc về nhóm quốc phòng.

Nhóm y tế tăng giá mạnh nhất sau khi chính quyền Trump công bố đề xuất giá thuốc. Nhóm cổ phiếu năng lượng cũng tăng giá nhờ giá dầu tăng sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tuyên bố thế giới đã thoát khỏi tình trạng thừa dầu.

Cổ phiếu các công ty bài bạc, cá độ tăng mạnh sau khi Tòa án Tối cao Mỹ mở đường cho các tiểu bang hợp pháp hóa hoạt động đặt cược thể thao. Cổ phiếu Penn National tăng 4,7%, đạt mức cao kỷ lục. Cổ phiếu Ceasars Entertainment và Madison Square Garden tăng tương ứng 5,5% và 2,6%.

Cổ phiếu các nhà sản xuất linh kiện quang của Mỹ bật tăng sau tin về ZTE, trong đó cổ phiếu Acacia Communications tăng 8,7%. Cổ phiếu Oclaro và Lumentum Holdings tăng tương ứng 2,9% và 2,2%.

Cổ phiếu các nhà thầu quốc phòng như Raytheon, Lockheed Martin và Northrop Grumman cùng giảm khi giới đầu tư nhận thấy căng thẳng địa chính trị đang lắng xuống.

Cổ phiếu hãng máy in Xerox giảm 4,3% sau khi hãng từ bỏ thỏa thuận trị giá 6,1 tỷ USD với Fujifilm.

Cổ phiếu Viacom giảm 4,9% sau khi CBS đâm đơn kiện để ngăn cổ đông chính của CBS là Share Redstone sáp nhập với Viacom. Cổ phiếu CBS tăng 2%.

Trên sàn NYSE, tỷ lệ cổ phiếu giảm giá-tăng giá là 1,12-1. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,19-1.

Có tổng cộng 5,96 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên này, so với mức bình quân 6,65 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề