Lạc quan thương mại đưa chứng khoán thế giới lên đỉnh 2 tháng

Thị trường chứng khoán thế giới lên mức cao nhất 2 tháng rưỡi trong phiên giao dịch ngày thứ Hai...
Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, Đức trong phiên giao dịch ngày 18/2 - Ảnh: Reuters.
Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, Đức trong phiên giao dịch ngày 18/2 - Ảnh: Reuters.

Hy vọng về tiến bộ trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung và kỳ vọng về biện pháp kích cầu từ các ngân hàng trung ương đã đưa thị trường chứng khoán thế giới lên mức cao nhất 2 tháng rưỡi trong phiên giao dịch ngày thứ Hai.

Tuy nhiên, mức tăng tại thị trường châu Âu bị hạn chế do nỗi lo về thuế quan đối với các hãng sản xuất ôtô.

Hãng tin Reuters cho biết, chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới tăng 0,4% trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản chốt phiên với mức tăng 1,8% và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương tăng khoảng 1%, trong đó chỉ số CSI 300 của cổ phiếu blue-chip Trung Quốc tăng 2,7% và đạt mức cao nhất trong hơn 6 tháng.

Các chỉ số tương lai ở Phố Wall cho thấy chứng khoán Mỹ có thể duy trì xu hướng tăng của tuần trước khi thị trường mở cửa trở lại vào thứ Ba. Phiên ngày thứ Hai, chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.

Tuần trước, hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq chốt tuần tăng thứ 8 liên tục nhờ dự báo của nhà đầu tư rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đi đến một thỏa thuận nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài.

Đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ được nối lại ở Washington trong tuần này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói ông có thể dời thời hạn tăng thuế quan lên hàng Trung Quốc từ ngày 1/3 nhằm tạo điều kiện để hai bên đi đến một thỏa thuận. Cả Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra lạc quan sau vòng đàm phán vào tuần trước ở Bắc Kinh, dù không có nhiều chi tiết được công bố.

Tại châu Âu, thị trường chứng khoán khu vực đạt mức cao nhất 4 tháng, nhưng tâm trạng của nhà đầu tư có phần kém vui. Phiên giảm điểm của cổ phiếu các hãng xe lớn đã hạn chế mức tăng của các chỉ số khu vực. Chứng khoán Đức giảm 0,1% khi đóng cửa.

Cổ phiếu ôtô bị bán mạnh sau khi thống kê cho thấy doanh số thị trường xe Trung Quốc giảm 16% trong tháng 1, đánh dấu tháng giảm thứ 7 liên tiếp.

Chốt phiên đầu tuần, nhóm cổ phiếu ôtô - một "hàn thử biểu" cho tình trạng của nền kinh tế châu Âu - giảm 0,4%.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngành này còn chịu áp lực giảm từ mối lo rằng một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ sẽ dẫn tới việc nâng thuế quan áp lên ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu vào Mỹ.

"Lạc quan về thương mại đang cao, nhưng các số liệu kinh tế lại yếu đi nhiều. Bởi vậy, mà thị trường vừa bị kéo xuống, vừa bị đẩy lên", nhà quản lý danh mục David Vickers thuộc Russell Investments nhận định.

Loạt dữ liệu xấu từ các nền kinh tế chủ chốt của thế giới gần đây đã làm gia tăng kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương hàng đầu sẽ phải có biện pháp bơm thêm tiền vào nền kinh tế và cung cấp hỗ trợ cho thị trường.

Sự cần thiết của các biện pháp kích cầu được thể hiện rõ qua thống kê cho thấy xuất khẩu của Singapore giảm và lượng đơn đặt mua máy móc của Nhật Bản đi xuống mạnh.

Trung Quốc hiện đang tích cực hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc của nước này. Trong tháng 1, các ngân hàng Trung Quốc đạt lượng vốn tín dụng cấp mới cao kỷ lục nhằm kích thích đầu tư.

Biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến công bố vào ngày thứ Tư đang được giới đầu tư chờ đón để xác định về đường đi chính sách tiền tệ của nền kinh tế số 1 thế giới trong 2019. Hiện đang có những đồn đoán cho rằng FED sẽ giảm tốc độ bán ra tài sản.

"Từ tháng 1 đến nay, các quan chức của FED đã có nhiều phát biểu ủng hộ sự ‘kiên nhẫn’. Bởi vậy mà biên bản của FED nhiều khả năng sẽ lặp lại thông điệp mềm mỏng", các nhà phân tích thuộc TD Securities nhận định.

Đồng USD giảm giá trong phiên đầu tuần, với chỉ số Dollar Index trượt về ngưỡng 96,73 điểm, so với mức đỉnh gần 97,4 điểm thiết lập vào tuần trước.

Trên thị trường hàng hóa cơ bản, giá dầu thô đạt đỉnh mới từ đầu năm, nhờ nỗ lực giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và do tác động của lệnh trừng phạt Mỹ áp lên Iran và Venezuela.

Lúc hơn 7h sáng ngày thứ Ba theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI giao sau tại New York đứng ở 55,85 USD/thùng, tăng 0,26 USD/thùng so với chốt phiên trước. Giá dầu Brent tại London tăng 0,25 USD/thùng, đạt 66,5 USD/thùng.

Chuyên đề