Lá chắn tên lửa nhiều lỗ hổng của Mỹ ở châu Á

Mỹ triển khai lá chắn tên lửa tại châu Á nhằm đối phó với mối đe dọa Triều Tiên, nhưng không bảo đảm đủ đạn và hiệu quả đánh chặn.

SM-3 là tên lửa đánh chặn tầm xa nhất của Mỹ tại châu Á

Triều Tiên đang sở hữu hàng loạt tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công căn cứ quân sự Mỹ trên Thái Bình Dương, chưa kể mẫu Hwasong-14 với tầm bắn có thể vươn tới bang Alaska. Trong khi đó, Mỹ vẫn gặp hàng loạt vấn đề với lá chắn tên lửa bố trí tại châu Á, theo National Interest.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) dễ bị bắn hạ nhất trong pha giữa của hành trình, khi đầu đạn đang ở trong không gian và chuẩn bị lao tới mục tiêu. Trong pha cuối, khi đầu đạn trở lại khí quyển và lao xuống mục tiêu với tốc độ lớn, việc đánh chặn sẽ khó hơn rất nhiều.

Lực lượng đánh chặn tầm xa chủ lực của Mỹ tại châu Á là hạm đội 16 tàu tuần dương và khu trục trang bị hệ thống Aegis, trong đó 5 chiếc đóng quân dài hạn tại quân cảng Yokosuka, Nhật Bản. Tàu khu trục USS Fitzgerald (DDG-62) bị tàu hàng Philippines đâm hỏng cũng là một phần của lá chắn tên lửa này.

Hệ thống chiến đấu Aegis được thiết kế trên nền tảng radar mảng pha quét điện tử thụ động AN/SPY-1D, có thể phát hiện và bám bắt nhiều loại tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn tới tầm xa. Mỗi tàu chiến Mỹ được trang bị 4 đài radar AN/SPY-1D, cho phép chúng theo dõi cùng lúc 800 mối đe dọa ở mọi hướng. Bên cạnh đó, hệ thống Aegis có thể lấy tham số mục tiêu từ tổ hợp radar tầm xa AN/TPY-2, thường được biên chế cùng Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Khi mục tiêu được nhận dạng, một trong 6 tàu chiến mang tên lửa đánh chặn SM-3 của Mỹ hoặc Nhật sẽ khai hỏa. SM-3 là tên lửa đánh chặn ngoài khí quyển có nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa đạn đạo đối phương trong pha giữa. Phiên bản mới nhất là SM-3 Block IIA có tầm bắn tới 2.500 km, đạt tốc độ 16.200 km/h.

Lá chắn tên lửa nhiều lỗ hổng của Mỹ ở châu Á ảnh 1

Tàu chiến Mỹ phóngthử tên lửa SM-3 Block II. Ảnh:Hải quân Mỹ.

Theo chuyên gia quân sự Kris Osborn, SM-3 Block IIA được Mỹ và Nhật Bản hợp tác phát triển để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) và tầm xa (IRBM). Bên cạnh radar AN/SPY-1D, đây là thành phần quan trọng nhất của hệ thống phòng thủ Aegis, cung cấp khả năng đánh chặn tên lửa cho các tàu khu trục lớp Arleigh Burke.

Một vấn đề ảnh hưởng tới khả năng phòng thủ tên lửa của các tàu chiến Aegis chính là chi phí của SM-3. Để bảo đảm khả năng đánh chặn hiệu quả, chiến hạm phải phóng nhiều quả đạn cho mỗi mục tiêu, đòi hỏi mỗi tàu phải mang hàng chục quả tên lửa SM-3.

Mỗi tên lửa SM-3 có giá 9-24 triệu USD tùy phiên bản, khiến việc trang bị đại trà tên lửa cho hàng chục tàu khu trục và tuần dương trở thành gánh nặng lớn với ngân sách quốc phòng Mỹ và Nhật Bản. Sự thiếu hụt tên lửa SM-3 có thể tạo nên một lỗ hổng lớn trong lá chắn tầm xa của Mỹ.

Để đánh chặn tên lửa tầm ngắn (SRBM) và MRBM, Mỹ dựa vào hệ thống THAAD, có tầm bắn gần 200 km. Toàn bộ khẩu đội THAAD được đặt trên khung gầm xe tải, cho phép chúng cơ động trên đường bộ tới các trận địa được chuẩn bị trước. Một hệ thống THAAD đầy đủ bao gồm 6 xe phóng với tổng cộng 48 quả đạn đánh chặn. Tuy nhiên, tổ hợp THAAD Mỹ đưa tới Hàn Quốc chỉ gồm hai xe phóng với 16 đạn sẵn sàng chiến đấu, giảm đáng kể uy lực của hệ thống này.

 Hệ thống THAAD đánh chặn mục tiêu thử nghiệm.

Lá chắn cuối cùng là hệ thống Patriot PAC-3, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 20-35 km. Do tầm bắn quá ngắn, nó chỉ phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu cụ thể như căn cứ quân sự, hải cảng và thành phố nhỏ. Hiệu quả đánh chặn của PAC-3 cũng chưa được chứng minh nhiều trong điều kiện thực tế.

Lá chắn nhiều tầng của Mỹ có thể sẽ bị tên lửa đạn đạo Triều Tiên xuyên thủng nếu lỗ hổng về số lượng tên lửa đánh chặn và hiệu quả thử nghiệm thực tế thấp không được khắc phục sớm. "Lợi thế luôn thuộc về phe tấn công chứ không phải phòng thủ", chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.

Chuyên đề