Kinh tế Triều Tiên giàu lên bất chấp lệnh trừng phạt

Dù nghèo đói vẫn còn tràn lan tại quốc gia bí ẩn này, thủ đô Bình Nhưỡng vẫn có những dấu hiệu giàu lên.

"Tại các vùng nông thôn, cuộc sống vẫn còn khó khăn. Nhưng tại Bình Nhưỡng thì bình thường", Nick Bonner tại hãng du lịch Koryo Tours nhận xét. 2 tuần trước, anh đã tới quốc gia này. Bất chấp các lệnh trừng phạt ngặt nghèo, các thú vui của giới thượng lưu nước này, như mua sắm và dã ngoại "vẫn diễn ra như trước" và "chẳng có sự thay đổi nào".

Những người thường xuyên tới Triều Tiên nhận xét kinh tế Triều Tiên có suy yếu, nhưng không sụp đổ vì các lệnh trừng phạt của quốc tế. Thủ đô Bình Nhưỡng vẫn đang phát triển. Mọi người mua điện thoại di động, nuôi thú cưng và bắt đầu du lịch vòng quanh đất nước. Quán ăn và quán cà phê cũng ngày càng xuất hiện nhiều trên các con phố.

Các trận bão hè năm ngoái đã phá hoại mùa màng ở nước này, làm dấy lên mối lo thiếu hụt lương thực. Tuy nhiên, số liệu xuất khẩu ngũ cốc của Trung Quốc cho thấy Triều Tiên còn nhập ít hơn năm 2011 hay 2013 - thời điểm họ gặp tình trạng tương tự. Điều này cho thấy tác động của những sự việc thế này đang ngày càng giảm.

Smartphone đang ngày càng phổ biến ở Triều Tiên. Ảnh:Christian Petersen-Clausen

Bên cạnh đó, hàng hóa trong các trung tâm thương mại nhà nước cũng ngày càng đa dạng, Rudiger Frank - người đứng đầu khoa nghiên cứu Đông Á tại Đại học Vienna nhận xét. Hồi tháng 2, ông cũng đã tới đây. Gần như mọi hàng hóa tại Triều Tiên đều nhập khẩu từ Trung Quốc, ông cho biết trên 38 North - một website về Triều Tiên do Đại học Johns Hopkins lập ra.

Chính quyền Triều Tiên cũng đang cởi mở hơn đối với các hoạt động kinh tế mang tính chất thị trường. Trên các con phố ở Bình Nhưỡng, một số người bán rau nhỏ có thể bán sản phẩm của mình một cách tự phát. Trong các ngôi chợ, nhiều quầy hàng giới thiệu sản phẩm gia dụng nhập khẩu, kể cả Coca-Cola. Tiền mặt được dùng phổ biến trên thị trường chợ đen.

*Hàng hiệu, taxi dần phổ biến tại Triều Tiên

Những năm gần đây, Triều Tiên bị quốc tế áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế rất nặng, nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, các biện pháp này không mang lại kết quả như kỳ vọng.

Trung Quốc - đối tác thương mại chính của Triều Tiên, vẫn lưỡng lự trong việc mạnh tay với nước láng giềng. Họ cho rằng thương mại cơ bản vẫn cần duy trì để ngăn hàng triệu người tị nạn tràn vào Trung Quốc nếu Triều Tiên sụp đổ.

Tuy nhiên, thế giới đang ngày càng kêu gọi Trung Quốc tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để gây áp lực lên Triều Tiên. Hồi tháng 2, Trung Quốc cho biết sẽ ngừng nhập than đá từ nước láng giềng. Xuất khẩu than bị Mỹ cáo buộc là nguồn ngoại tệ giúp Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.

Trên Nikkei, Zhang Liangui - nhà nghiên cứu nổi tiếng về Triều Tiên tại Trung Quốc cũng cho biết nước này có thể cân nhắc ngừng xuất dầu thô, nếu Triều Tiên nếu tiếp tục thử hạt nhân. Triều Tiên phải dựa hoàn toàn vào Trung Quốc để có dầu. Các số liệu hải quan cho thấy họ đã nhập khẩu khoảng 50.000 tấn dầu thô một tháng trong giai đoạn 2006 - 2013.

"Giảm cung dầu sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và công nghiệp của nước này", đặc biệt là với việc vận chuyển hàng hóa trong nước, Cai Jian - chuyên gia tại Đại học Fudan nhận xét. Và đóng băng hoàn toàn hoạt động này sẽ gây sức ép lên kinh tế Triều Tiên.

Tuy vậy, việc phân tích các số liệu kinh tế của Triều Tiên khá khó khăn, do nước này không công khai. Các website nghiên cứu như 38 North hay North Korean Economy Watch phải dựa vào thông tin từ hải quan nước khác, du khách, ảnh vệ tinh và thông tin từ chính giới truyền thông Triều Tiên.

Vì thế, kể cả nếu Trung Quốc tuyên bố họ đã ngừng xuất khẩu dầu hoàn toàn sang nước láng giềng, chẳng có gì xác thực được việc này. Do số liệu những năm gần đây không được công bố nữa. Trung Quốc rất khó mạnh tay với Triều Tiên. Vì với họ, trừng phạt người hàng xóm sẽ có hại hơn nhiều so với việc không làm gì.

Chuyên đề