Kinh tế toàn cầu 2016: nỗi đau lạ lùng

Năm 2016 có thể sẽ là một khoảng thời gian khó xử đối với cả nhà chính sách, chuyên gia kinh tế và giới đầu tư. Bởi đã 7 năm kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, chúng ta vẫn loay hoay trong việc đưa ra các quyết định, không ngừng tranh cãi vì sao kinh tế thế giới phục hồi khá yếu ớt.
Kinh tế toàn cầu 2016: nỗi đau lạ lùng

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong tháng 10/2015 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và bắt đầu báo cáo bán niên về triển vọng kinh tế năm 2016 bằng một lời khá ảo não: “Sự khỏe mạnh và đồng bộ của tăng trưởng kinh tế toàn cầu duy trì ở mức hạn chế”.

IMF ước tính rằng, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2015, đây là mức tệ nhất kể từ Đại suy thoái năm 2009 xảy ra và hiện tại, xu hướng tăng trưởng đang đi sai đường. Trước đó, các chuyên gia kinh tế tại tổ chức này dự báo mức tăng trưởng 3,8% cho năm 2015, tuy nhiên, câu chuyện dường như đang theo chiều hướng khác. Hiện tại, IMF dự báo mức tăng trưởng 3,6% trong năm 2016, giảm bớt so với mức 3,8% được đưa ra vào tháng 7/2015 trước đó. Theo khảo sát của Bloomberg đối với các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,4% trong năm tới. 

Xu hướng đi xuống

Khi năm 2016 tới, giới đầu tư sẽ phải đối mặt với một thế giới nơi mà các mảng kiến tạo của nền kinh tế đang có sự dịch chuyển. Ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu đang ở 2 vị thế hoàn toàn trái ngược. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất lần đầu tiên sau 7 năm qua, bắt đầu thay đổi chính sách tiền tệ của mình theo hướng thặt chặt thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn đang trong đà nới lỏng, thậm chí đưa ra tín hiệu về việc kéo dài gói nới lỏng định lượng hiện tại tới năm 2017. Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang thực thi các chính sách tương tự.

Việc Fed nâng lãi suất là tín hiệu rõ ràng cho thấy sự tăng trưởng ổn định, lạc quan của kinh tế Mỹ, tuy nhiên không phải ai cũng vui mừng khi thấy điều này. Bởi lẽ, các cơ sở chính sách trên toàn cầu đang khá hỗn độn.

Dù vậy, vẫn có 2 quan điểm chủ đạo đối với các nhà chính sách cũng như các chuyên gia kinh tế hiện nay. Theo đó, quan điểm đầu tiên mang tính chính thống hơn, cho rằng thế giới đang ở trong tàn tích từ khủng hoảng nợ kéo dài trước đó theo chu kỳ phát triển của thị trường. Chỉ cần nới lỏng tiền tệ thêm và kiên nhẫn chờ đợi để thời gian làm công việc của mình, trong đó có ngăn chặn giảm phát và mọi chuyện sẽ đâu vào đó.

Quan điểm thứ hai là một cách nhìn u ám hơn cho rằng, chúng ta về cơ bản đang bước vào một nền kinh tế toàn cầu hoàn toàn khác biệt, nơi mà lạm phát và thất nghiệp không còn có những diễn biến tương tự như trong quá khứ, nơi mà hơn 7 nghìn tỷ USD mà ngân hàng trung ương các nước phát triển sử dụng để nới lỏng tiền tệ vẫn không đủ sức để xua tan mối lo ngại về giảm phát.

“Thật khó để tìm được nơi nào có áp lực lạm phát, điều đáng lẽ phải xảy ra trong quá trình hồi phục của nền kinh tế sau khi khủng hoảng xảy ra được 7 năm. Điều này chứng tỏ mọi thứ bây giờ đã khác”, Bob Michele, Giám đốc đầu tư chi nhánh New York của JP Morgan Asset Management cho biết. 

“Nỗi đau” lạ lùng

Nhiều người trong chúng ra vẫn ghi nhớ rằng, theo các báo cáo thường xuất hiện từ trước tới nay, việc không có bằng chứng của lạm phát là một tin tốt. Giờ đây, thông tin này không còn mang lại cái nhìn tích cực, thay vào đó, chúng ta lại trăn trở về mối lo ngại giảm phát. Giá cả hàng hóa tăng thấp, thậm chí âm tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) trong những năm qua và tỷ lệ lạm phát giảm xuống liên tục tại khu vực này trong 4 năm qua.

Tại Mỹ, Chủ tịch Fed Janet Yellen phát biểu rằng, lạm phát đang dần tiến tới mức mục tiêu 2%, tuy nhiên không phải ai cũng tin điều này. IMF dự báo lạm phát năm 2016 vào khoảng 1% hoặc ít hơn đối với khu vực sử dụng đồng euro, Nhật Bản và Mỹ. Đây là các bằng chứng cho thấy tất cả gói nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước đã không đạt được hiệu quả đúng như kế hoạch.

Giá cả hàng hóa, thủ phạm của tình trạng lạm phát suy giảm, dường như cũng sẽ không có biến chuyển gì mới trong năm tới. Theo các tổ chức tài chính uy tín như JP Morgan, Citigroup hay Morgan Stanley, viễn cảnh giá dầu thô xuống dưới 20 USD/thùng không còn quá xa vời. Nền kinh tế Trung Quốc từng giúp đẩy giá kim loại và năng lượng lên mức đỉnh khi tăng trưởng thần kỳ cách đây vài năm, giờ đang chuyển hướng từ phụ thuộc vào tăng trưởng xuất khẩu sang kích thích tiêu thụ nội địa. Mức tăng trưởng 6,9% mà Trung Quốc công bố trong quý III/2015 là mức thấp nhất kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và năm 2015 dường như sẽ là năm tăng trưởng chậm nhất trong 2 thập kỷ.

Sinh tồn trong một thế giới mà các ngân hàng trung ương “rất giỏi” trong việc kiềm chế lạm phát khiến chúng ta dường như bị phụ thuộc quá nhiều. Vậy nên hiện tại, các nhà chính sách tiền tệ và nhà kinh tế học đang vật lộn với thực tế rằng, giá cả hầu như không tăng lên.

http://static.tinnhanhchungkhoan.vn/uploaded/ngoctuanz/2016_01_30/117_amln.jpg?width=420Điều này thật sự là “rối rắm”, ngay cả với các giáo sư kinh tế học, David Folkerts-Landau, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank cho biết. Tuy nhiên, dù sao giới đầu tư cũng có thể tóm lấy miếng phao cuối cùng chính là những khe hở trong chính sách tiền tệ tại Đại Tây Dương. Điểm chính, theo Folkerts-Landau, đó chính là euro sẽ tiếp tục mất giá trước USD.

“Chúng ta gần như sẽ lại chứng kiến cảnh đồng euro xuống mức  1 euro đổi 1,05 USD trong năm 2015 và ai biết được, đồng euro có thể đi xuống mức thấp hơn và thậm chí phá vỡ sự ngang hàng. Cho tới hiện tại, đồng euro đang ở mức 1,07 USD và vẫn chưa xuống dưới mức 1 đổi 1 kể từ năm 2002”, Folkerts-Landau cho biết.

Theo các chuyên gia trả lời khảo sát của Bloomberg, lãi suất trái phiếu giữa Mỹ và châu Âu sẽ ngày càng được mở rộng trong năm 2016, kết quả không thể tránh khỏi giữa một nền kinh tế có màn biểu diễn tốt hơn và chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed với một bên vẫn chìm trong tình trạng ảm đạm.

Trong bối cảnh lãi suất tiêu chuẩn của các ngân hàng trung ương vẫn gần với mức 0% và lãi suất thị trường thậm chí còn thấp hơn nữa, 2016 có thể là năm mà tất cả các chiêu bài của các nhà chính sách tiền tệ trở nên bất lực. Trong tháng 1/2016, ECB vẫn còn ít nhất 500 tỷ euro để dành cho chương trình nới lỏng tiền tệ, nhưng sự hoài nghi về tính hiệu quả của chương trình này vẫn tăng lên từng ngày.

“Thật khó để hiểu tại sao chính sách này làm tốt tại Mỹ nhưng lại không hiệu quả tại châu Âu”, giáo sư Đại học Harvard Martin Feldstein cho biết trong một hội thảo tại Frankfurt. 

Giải pháp “liều lĩnh”

Trong thời khắc “tuyệt vọng” này, điều chúng ta cần tới là sự trợ giúp từ các phương pháp liều lĩnh. Trên thực tế, việc có nhiều ý tưởng lạ thường được các nhà chính sách tiền tệ mang ra thảo luận cho thấy tình trạng kỳ lạ thực sự của nền kinh tế lúc này.

Andy Haldane, nhà kinh tế trưởng tại Bank of England, đang nổi lên như là người “lãnh đạo” trong số những người tin rằng, để thay đổi nền kinh tế thế giới đòi hỏi phải đưa ra nghiên cứu và thảo luận các chính sách chưa từng có tiền lệ.

“Nếu mức lãi suất trên toàn cầu duy trì ở tình trạng thấp hơn nữa, các ngân hàng trung ương có lẽ cần phải vận dụng nhiều trí tưởng tượng hơn. Đây là một trong những thách thức cơ bản mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt trong thế hệ này”, Haldane cho biết.

Đâu là ví dụ? Điều dễ tưởng tượng ra nhất đó là ngân hàng trung ương có thể nâng mức mục tiêu lạm phát lên cao hơn nữa. Điều này giữ cho các chính sách tiền tệ hỗ trợ đà phục hồi trong dài hạn hơn và cung cấp thêm không gian để lãi suất cơ bản có thể dao động trên ngưỡng 0.

Một ý tưởng khác có thể được đưa ra nghiên cứu và triển khai, theo Haldane, đó là thay thế tiền giầy bằng tiền điện tử. Theo đó, khi các nhà băng đưa ra mức lãi suất bằng 0 hoặc âm, người gửi tiền tất nhiên sẽ bị thôi thúc rút tiền ra khỏi hệ thống và giữ tiền mặt. Đây là lý do các nhà chính sách bị hạn chế trong việc sử dụng các công cụ điều chỉnh khi lãi suất rơi xuống mức 0. Điều này có thể thay đổi đối với tiền điện tử, bởi việc lãi suất âm không còn là gánh nặng.

Theo Haldane, những ý tưởng này cần được nghiên cứu và có lẽ nên được chuẩn bị sẵn sàng. Bởi có thể nó sẽ phát huy tác dụng khi các gói nới lỏng tiền tệ hiện tại, giống như ECB đang thực hiện, không thể tìm được hướng đi đúng trong năm 2016.

Và ngay cả khi các ý tưởng có phần kỳ lạ của Haldane không đủ sức thuyết phục, số lượng các nhà kinh tế học muốn thắt chặt thêm mối liên kết với các nhà chính sách cũng ngày càng tăng lên, bởi qua đó, các phương án “sáng tạo” hơn có thể được đưa ra nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn. 

Chuyên đề