Khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến chứng khoán Mỹ “đỏ lửa”

Chứng khoán Mỹ sụt điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn biến xấu...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ sụt điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên trầm trọng hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ đẩy giá cổ phiếu ngân hàng tuột dốc và khiến nhà đầu tư thoái vốn mạnh khỏi các tài sản có mức độ rủi ro cao hơn.

Theo tin từ Reuters, với phiên đi xuống này, cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng có một tuần giảm điểm sau 5 tuần tăng liên tiếp. Tuy nhiên, S&P 500 hiện chỉ còn cách 1,4% từ đỉnh cao kỷ lục thiết lập vào hôm 26/1.

Nhóm cổ phiếu công nghệ đồng loạt giảm càng gia tăng mức độ bi quan của các nhà đầu tư trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Nhóm công nghệ thuộc S&P 500 mất 0,8%, dẫn đầu là cổ phiếu Intel giảm 2,6% sau khi bị ngân hàng Goldman Sachs khuyến nghị nhà đầu tư bán ra.

Cổ phiếu hãng chế tạo thiết bị bán dẫn Microchip Technology giảm 10,9% sau khi công ty đưa ra dự báo doanh thu gây thất vọng.

Tỷ giá đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ so với đồng USD có lúc "bốc hơi" 17%, chạm mức thấp chưa từng có, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm từ quốc gia này.

Giới đầu tư tháo chạy sang các tài sản an toàn, đẩy tỷ giá đồng USD tăng và kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống.

"Đây là một diễn biến rút lui khỏi rủi ro mang tính kinh điển", chiến lược gia trưởng Quincy Krosby thuộc Prudential Financial ở New Jersey nhận định. "Bạn lo về thiệt hại ngoài dự tính. Bạn lo về ảnh hưởng từ châu Âu. Bạn lo về mất mát do cổ phiếu ngân hàng vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống".

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 1,2%, trở thành nhân tố gây giảm điểm lớn nhất trong S&P 500 phiên này.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,77%, còn 25.313,14 điểm. S&P 500 mất 0,71%, còn 2.833,28 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,67$, còn 7.839,11 điểm.

Tính chung cả tuần, Dow Jones mất 0,6%, S&P 500 giảm 0,3%, trong khi Nasdaq tăng 0,3% nhờ mức tăng mạnh của một số cổ phiếu công nghệ.

Cổ phiếu Citigroup, cổ phiếu ngân hàng có độ phủ sóng toàn cầu rộng nhất trong số các nhà băng lớn của Mỹ, sụt 2,4%. Cổ phiếu JPMorgan Chase, Wells Fargo và Bank of America cũng đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ.

"Mỗi khi có biến động về tỷ giá các đồng tiền, các cổ phiếu tài chính thường có xu hướng hứng chịu rủi ro lan rộng", chuyên gia Jamie Cox thuộc Harris Financial Group ở Richmond, Virginia, phát biểu.

Cổ phiếu của các công ty có mức độ nhạy cảm cao với thương mại cũng giảm, gồm cổ phiếu Boeing và Caterpillar đồng loạt mất ít nhất 1% mỗi cổ phiếu.

Cổ phiếu Tesla tăng 0,9% phiên này. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ công ty phân tích S3 Partners, số cổ phiếu Tesla đang bị bán khống đã tăng mạnh trở lại và hiện còn nhiều hơn so với ở thời điểm trước khi Giám đốc điều hành (CEO) Elon Musk tuyên bố sẽ đưa hãng xe chạy điện này trở thành một công ty tư nhân.

Dữ liệu công bố ngày thứ Sáu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng trong tháng 7, tiếp tục thể hiện xu hướng đi lên, phản ánh áp lực lạm phát tăng dần đều. Cùng với những số liệu khả quan khác của kinh tế Mỹ gần đây, dữ liệu lạm phát giúp củng cố dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên ngày thứ Sáu nhiều gấp 2,1 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,51 lần.

Có tổng cộng khoảng 6,7 tỷ cổ phiếu được các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng phiên này, so với mức bình quân 6,4 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề