Kẻ gặp may, người chịu thiệt tại Đông Nam Á khi ông Trump nhậm chức

Triển vọng dành cho xuất khẩu – động lực để tăng trưởng trong nhiều thập kỷ qua tại Đông Nam Á đang có dấu hiệu khá ảm đạm dưới thời tân Tổng thống Mỹ.
Triển vọng xuất khẩu của các nước Đông Nam Á vàonăm 2017là điều không chắc chắn.Ảnh: Reuters
Triển vọng xuất khẩu của các nước Đông Nam Á vàonăm 2017là điều không chắc chắn.Ảnh: Reuters

Khảo sát được Bloomberg thực hiện với các chuyên gia cho thấy triển vọng của các thị trường phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ chịu nhiều tổn thương trong thời gian tới, do tăng trưởng kinh tế toàn cầu sa sút và áp lực bảo hộ nội địa nhiều hơn tại Mỹ theo chính sách của Tổng thống mới. Vì vậy, các nước phải cân bằng lại khủng hoảng xuất khẩu bằng cách thúc đẩy tăng trưởng thị trường tiêu dùng nội địa.

“Với các chính sách ngăn trở thương mại tự do hơn và không mấy thiện cảm với toàn cầu hóa đang nổi lên, triển vọng xuất khẩu của các nước châu Á trong năm 2017 là điều không chắc chắn”, Khoon Goh – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về thị trường châu Á của Australia & New Zealand Banking Group (ANZ) nhận định.

“Các nền kinh tế châu Á vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sẽ tiếp tục kém hiệu quả. Các nền kinh tế này phải tập trung vào thị trường nội địa hơn hoặc tăng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ nhiều hơn”, vị này khuyến nghị. Tuy nhiên, bối cảnh không hoàn toàn ảm đạm, vẫn có những quốc gia hưởng lợi bên cạnh những nước chịu thiệt trong năm sau tại Đông Nam Á.

Philippines dự kiến sẽ là nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất ở châu Á trong năm 2017, nhờ vào nền tảng vững chắc được tạo ra trong những năm gần đây. “Kinh tế Philippines khởi đầu năm 2017 với vị thế vững mạnh và có thể chịu được tác động từ những rủi ro bên ngoài tốt hơn các nền kinh tế khác ở châu Á”, Nomura Holdings dự báo. “Nhu cầu trong nước duy trì cao, đặc biệt là chi cho đầu tư là yếu tố mà chúng ta mong đợi có thể bù đắp được những ảnh hưởng tiêu cực của xuất khẩu”, Nomura viết trong một báo cáo và lưu ý rằng có thể Philippines là quốc gia duy nhất tại châu Á tăng lãi suất vào năm sau.

Việt Nam – nhà sản xuất chi phí thấp, là một trong số ít các nền kinh tế tại châu Á vẫn tăng trưởng về xuất khẩu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc và các nơi khác vào Việt Nam vẫn tăng. Tuy nhiên, lạm phát tương đối cao, thâm hụt ngân sách và dự trữ ngoại hối thấp có thể là điều đáng quan ngại. Đây là nhận định của Beatrice Tanjangco – một nhà kinh tế học tại Oxford Economics. “Thâm hụt ngân sách cũng không hẳn là xấu, đặc biệt là đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Thâm hụt gia tăng bởi các chi tiêu hiện tại trong khi Chính phủ cũng đã giảm đầu tư trong cùng thời điểm”, Tanjangco nói.

Indonesia, quốc gia có dân số lớn nhất Đông Nam Á, được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi giá cả hàng hóa sau khi các công ty khoáng sản và khí đốt nước này phải trải qua những năm ảm đạm gần đây. Mặt khác, United Overseas Bank nhận định, diễn biến dòng vốn đang là điều lo ngại khi triển vọng tăng tỷ giá đồng đôla Mỹ đã gây ra một cuộc bán ra ở thị trường trái phiếu Indonesia và điều này có thể hạn chế các lựa chọn chính sách của ngân hàng trung ương nước này nếu tăng trưởng suy giảm. “Với thị trường tìm kiếm một sự tăng tỷ giá nhanh hơn bình thường của Mỹ và sự bất ổn định lớn hơn của khu vực Euro zone thì chúng tôi tin rằng ngân hàng trung ương Indonesia sẽ ít có cơ hội cắt giảm lãi suất hơn nữa”, United Overseas Bank bình luận.

Tăng trưởng kinh tế Malaysia đã giảm tốc trong năm nay do xuất khẩu suy yếu và chi tiêu Chính phủ chậm hơn. Thị trường tài chính của nước này vẫn còn ảnh hưởng cao độ từ cuộc khủng hoảng toàn cầu với đồng ringit đang là một trong những đồng tiền "tệ" nhất châu Á trong năm 2016. Thương mại của Malaysia với Mỹ rất dễ bị tổn thương khi Mỹ chuyển hướng bảo hộ cho sản xuất của mình. HSBC Holdings cho biết, có đến 74% máy móc và thiết bị vận tải của Malaysia xuất sang mà Mỹ hoàn toàn có thể tự sản xuất nếu muốn. Ngoài ra, các công ty Malaysia lại liên kết chặt chẽ với Trung Quốc trong việc đưa hàng sang Mỹ. Điều này có thể không mấy thiện cảm với ông Trump.

Xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng cao như ôtô sang Mỹ của Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách bảo hộ của ông Donald Trump.Ảnh: Reuters

Thái Lan cũng rơi vào trường hợp tương tự khi phần lớn hàng xuất sang Mỹ là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn Việt Nam, đơn cử như ôtô. Thái Lan dự kiến sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào quý II/2017 trong bối cảnh đang bị ảnh hưởng bởi các bất ổn chính trị trong nước. “Thời gian để tang kéo dài trong một năm sau khi quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà có thể làm giảm niềm tin tiêu dùng và ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân trong giai đoạn từ quý 4IV2016 đến quý I/2017”, Morgan Stanley đánh giá.

Cuối cùng, Singapore được dự đoán sẽ tăng trưởng thấp nhất trong khu vực sau khi nền kinh tế nước này đi xuống thấy rõ từ quý III/2016. Singapore cũng sẽ có một cuộc bầu cử tổng thống trước tháng 8 năm sau. “Đảo quốc này đang đối mặt với sự khởi đầu về triển vọng kinh tế yếu ớt, thị trường việc làm, niềm tin người tiêu dùng cũng yếu dẫn đến động thái 'thắt lưng buộc bụng’ của người dân.”, United Overseas Bank nhận định.

Chuyên đề