IMF cảnh báo khối nợ 152.000 tỷ USD toàn cầu

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định cả thế giới đang ngập trong nợ, nhưng vẫn khuyến khích một số nước tăng chi để thúc đẩy tăng trưởng, miễn là đủ khả năng.
IMF đặc biệt lo ngại về khối nợ tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters
IMF đặc biệt lo ngại về khối nợ tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Khối nợ toàn cầu, cả công và tư, năm ngoái đã tương đương 225% GDP. Tỷ lệ này tăng mạnh so với 200% năm 2002, IMF cho biết trong báo cáo Fiscal Monitor công bố hôm qua. Tổng cộng, cả thế giới đang chìm trong khoản nợ kỷ lục 152.000 USD

IMF cho biết khoảng hai phần ba các khoản vay năm 2015 - tương đương 100 tỷ USD, là của lĩnh vực tư nhân. Họ cũng cảnh báo khối nợ tư nhân tăng mạnh thường dẫn đến khủng hoảng tài chính.

Dù cơ cấu nợ của các nước khác nhau, báo cáo cũng cho biết mức độ khổng lồ của nó có thể gây nguy hiểm cho đà phục hồi kinh tế vốn đã rất mong manh. "Nợ tư nhân lớn là thách thức với đà phục hồi toàn cầu, và là rủi ro với sự ổn định tài chính. Khủng khoảng tài chính thường dài và sâu rộng hơn suy thoái bình thường", Vitor Gaspar - Giám đốc Các vấn đề Tài khóa tại IMF cho biết.

Dù Mỹ đã giảm nợ đáng kể từ sau khủng hoảng 2008 - 2009, báo cáo cho biết khối nợ tư nhân tăng cao tại Trung Quốc và Brazil là vấn đề đặc biệt đáng ngại. Nó được tích trữ sau một kỷ nguyên dài duy trì lãi suất thấp.

Báo cáo được công bố trong bối cảnh Giám đốc IMF - bà Christine Lagarde thúc giục các nước thành viên có khả năng vay và chi tiêu cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng. IMF kêu gọi các nước không chỉ tăng hỗ trợ tài khóa, mà còn phải nới lỏng tiền tệ và đẩy nhanh tái cấu trúc để tăng hiệu suất hoạt động kinh tế.

Nếu xảy ra một đợt giảm nợ tư nhân lớn, IMF cho rằng chính sách tài khóa nên có các biện pháp can thiệp để tái cấu trúc nợ tư nhân, hoặc điều chỉnh bảng cân đối kế toán của các ngân hàng theo hướng tối thiểu hóa rủi ro cho nền kinh tế.

Việc này cũng tương tự chương trình tái cấu trúc các khoản vay thế chấp mua nhà mà Mỹ thực hiện trong khủng hoảng tài chính. "Những loại chính sách này có thể đặc biệt hữu ích tại Trung Quốc. Nhưng để việc này có tác dụng, chúng cần được hoạch định hợp lý và kiểm soát chặt chẽ bởi Chính phủ", Gaspar cho biết. 

Chuyên đề