Hố sụt bất ngờ trong quan hệ Trung - Triều

Quan hệ Trung - Triều đột ngột xấu khi Bình Nhưỡng đưa ra những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào Bắc Kinh, liên quan đến việc Trung Quốc dừng nhập khẩu than.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh:pressian
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh:pressian

Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên có thể tin tưởng Trung Quốc là một đồng minh trung thành cho dù chính quyền Kim Jong-un có những hành vi thất thường. Bắc Kinh vẫn giữ im lặng khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân và đưa ra những lời đe dọa khoa trương, theo NY Times.

Tuy nhiên, vào tuần này, mọi thứ có thể đã đi quá xa khi Triều Tiên chỉ trích Trung Quốc "nhảy múa theo giai điệu của Mỹ" và "tự xưng là cường quốc".

Các nhà quan sát rất bất ngờ khi thấy mối quan hệ xấu đi nhanh chóng đến như vậy, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh quyết định ngừng nhập khẩu than, nguồn cung cấp tiền lớn cho kinh tế Triều Tiên.

"Ban đầu nhiều người nghĩ đó là bình luận giả", Cheng Xiaohe, phó giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân Dân, nói. "Thật là bất ngờ lớn khi Triều Tiên đưa ra những lời công kích mạnh mẽ như vậy với Trung Quốc. Tôi đã đoán là Triều Tiên sẽ tức giận nhưng không lường được là sẽ mạnh như thế này".

Hoạt động tại cửa khẩu than giữa Trung Quốc và Triều Tiên trước khi có lệnh cấm

Sự bùng nổ những lời chỉ trích từ Bình Nhưỡng, cùng với lệnh cấm nhập khẩu than của Bắc Kinh, cho thấy căng thẳng giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 63 tuổi, và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, 33 tuổi.

Ông Tập được cho là không mấy mặn mà với ông Kim, người chưa từng đến thăm Trung Quốc và không rõ là có được mời đến hay không.

Hai nước trước đây luôn cố gắng giữ gìn tình hữu nghị. "Nếu bạn đọc Nhật báo Nhân dân từ năm 1949 cho đến nay, bạn sẽ chẳng thấy một từ tiêu cực nào, chỉ toàn lời khen ngợi" về Triều Tiên, nhà sử học Shen Zhihua nói. "Các tờ báo Triều Tiên cũng không nói xấu Trung Quốc".

Ngay cả khi mối quan hệ song phương xấu đi trong những tuần gần đây, Trung Quốc cũng đã phần nào tự kiềm chế. Một bài xã luận trên Global Times hôm 24/2 nhấn mạnh rằng việc đình chỉ nhập khẩu than là công bằng và phù hợp với biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

"Trung Quốc và Triều Tiên là láng giềng hữu nghị. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với Triều Tiên trong nỗ lực chung để phát triển các quan hệ lành mạnh và ổn định", Geng Shuang, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết.

Hiện chưa rõ lệnh cấm nhập khẩu than của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng thế nào đến người dân Triều Tiên. Trung Quốc nói rằng họ áp đặt lệnh cấm chỉ để đảm bảo hạn mức than nhập khẩu được cho phép, theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Điều đó cho thấy Bắc Kinh có thể đã thanh toán cho Bình Nhưỡng số than họ nhập khẩu trong 50 ngày đầu tiên của năm nay.

Rạn nứt trong quan hệ hai nước nới rộng vào thời điểm chính quyền Trump thúc giục Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy của mình để ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nói chuyện với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về vấn đề này.

Tổng thống Trump trước đó đã nói rằng Trung Quốc có thể làm nhiều hơn để thuyết phục Triều Tiên thu hẹp quy mô chương trình hạt nhân, ngay cả khi Bắc Kinh nói với Washington rằng ảnh hưởng của họ khá hạn chế. Căng thẳng mới nhất có thể càng làm suy yếu đòn bẩy đó và cho thấy sự phản kháng của ông Kim Jong-un với lời kêu gọi của Trung Quốc về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

"Về mặt ngoại giao, tôi thấy không có giải pháp nào", Yan Xuetong, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, nhận định. Ông Yan nói rằng Trung Quốc không có cách nào ngoài việc chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, bởi vì Trung Quốc chỉ có hai lựa chọn: hoặc Triều Tiên là nước có vũ khí hạt nhân và thiện chí với Trung Quốc, hay Triều Tiên, vẫn là nước có vũ khí hạt nhân nhưng không thiện chí với Trung Quốc.

"Tôi rất bi quan về vấn đề này", ông Yan nói. 

Chuyên đề