Hàng 'made in China' không còn rẻ

Chi phí nhân công liên tục tăng mạnh đã khiến các nhà máy ở Trung Quốc không còn tạo ra được hàng hóa rẻ như trước nữa.
Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đang tăng giá do chi phí nhân công. Ảnh:AFP
Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đang tăng giá do chi phí nhân công. Ảnh:AFP

Các công nhân nhà máy ở Trung Quốc đang được trả cao hơn bao giờ hết. Theo hãng nghiên cứu Euromonitor, lương trung bình giờ của công nhân nước này đã đạt 3,6 USD năm ngoái, tăng 64% so với năm 2011. Con số này gấp hơn 5 lần so với Ấn Độ, và tương đương các nước như Bồ Đào Nha hay Nam Phi.

Mức lương cho lao động nước này tăng theo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa với việc các công ty có sản xuất tại Trung Quốc bị đội chi phí lên. Một số đã chuyển sản xuất sang nước khác. Tức là Trung Quốc có thể mất việc làm sang các nước đang phát triển khác, như Sri Lanka. Tại đây, mức lương theo giờ chỉ là 0,5 USD.

Ngành thời trang đang "chịu ảnh hưởng rất mạnh", Ben Cavender - Giám đốc China Market Research cho biết, "Hậu quả là các chủ nhà máy đang ồ ạt chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc".

Các công ty cũng đang đầu tư vào robot để tự động hóa hết sức có thể, nhằm bù đắp chi phí nhân công, hai nhà phân tích tại Jefferies - Sean Darby và Kenneth Chan cho biết. Thị trường robot tại Trung Quốc đã lớn nhất thế giới từ năm 2013 và vẫn đang tăng trưởng.

Khi số công việc ngày một ít đi, và robot trong các nhà máy có thể nhiều lên, các chuyên gia cho rằng thất nghiệp sẽ vẫn là vấn đề nan giải. Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang chuyển hướng tăng trưởng kinh tế sang dựa vào dịch vụ, thay vì sản xuất.

"Chúng ta đang nói về đào tạo lại kỹ năng cho hàng triệu công nhân. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ họ sẽ được chuyển sang công việc nào", Cavender nhận xét, "Họ đang tạo ra những công việc văn phòng càng nhanh càng tốt, nhưng vẫn chưa thể đủ được". 

Chuyên đề