Hãng chia sẻ xe đạp hàng đầu Trung Quốc sắp phá sản

Nhà sáng lập Ofo cho biết đã tính đến việc giải thể công ty và nộp đơn xin phá sản vì khủng hoảng tài chính.
Xe đạp hỏng chờ sửa chữa của Ofo. Ảnh:CNN
Xe đạp hỏng chờ sửa chữa của Ofo. Ảnh:CNN

Cách đây không lâu, hãng chia sẻ xe đạp Ofo vẫn còn ngập trong tiền và được ca tụng như một startup thay đổi cuộc chơi công nghệ. Tuy nhiên, Ofo đang đứng bên bờ vực phá sản.

Nhiều chiếc xe đạp màu vàng của Ofo bị hỏng, khóa bánh, sơn bắt đầu mờ dần được để ở vỉa hè Thượng Hải, Bắc Kinh phản ánh sự phát triển mạnh mẽ và sụp đổ nhanh chóng của startup này. Ofo đã vượt qua hàng loạt đối thủ bắt chước mô hình chia sẻ xe đạp, nhưng lại đang có nguy cơ trở thành nạn nhân mới nhất trong lĩnh vực khốc liệt này.

Trong bức thư gửi nhân viên tuần trước, Dai Wei – nhà sáng lập Ofo cho biết, vì khủng hoảng tài chính, anh đã nghĩ đến việc giải thể Ofo và nộp đơn xin phá sản. "Gần đây, những áp lực từ dòng tiền và truyền thông khiến chúng tôi cảm thấy bất lực", Dai Wei viết.

Hiện tại, Dai Wei và Ofo không được phép mua vé máy bay và thuê văn phòng trong các tòa nhà cao cấp vì nằm trong danh sách đen của Chính phủ Trung Quốc.

Cuối tuần trước, rất đông khách hàng giận dữ đã tập trung trước trụ sở chính của Ofo tại Bắc Kinh để yêu cầu trả lại tiền đặt cọc từ 99 đến 199 NDT (khoảng 14-28 USD). Bên cạnh đó, hơn 12 triệu người dùng Ofo đã yêu cầu hãng trả tiền trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều người cũng nghi ngờ khả năng không được hoàn tiền.

"Ofo thất bại sau một chuỗi chiến thắng", Jeffrey Towson -  giáo sư tại Peking University nói.

Được rót vốn hàng tỷ USD từ các ông lớn như Alibaba, Ofo đã tiên phong trong lĩnh vực chia sẻ xe đạp và phủ sóng khắp các thành phố ở Trung Quốc những năm gần đây. Xe đạp có thể được mở khóa, sử dụng tại bất cứ nơi đâu thông qua một ứng dụng của Ofo trên smartphone.

Các startup chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc đã đua đốt tiền khi nhanh chóng ra mắt dịch vụ tại các thành phố khắp Trung Quốc và cả ở nước ngoài. Tình trạng mở rộng hỗn loạn khiến nhiều doanh nghiệp phá sản và hàng đống xe đạp bị tịch thu. Ofo vẫn tồn tại sau cơn bão phá sản nhưng từ đó startup này phải đấu tranh để đuổi kịp các đối thủ.

Giới phân tích cho rằng, chia sẻ xe đạp là một dịch vụ độc lập tuyệt vời khi nó ra mắt năm 2015, nhưng hiện trở nên khó hơn với các doanh nghiệp như Ofo để hợp tác với nhiều nền tảng vận tải khác.

Tu Le – nhà sáng lập hãng tư vấn Sino Auto Insights cho hay, ngày nay, mọi người muốn sử dụng một ứng dụng để có thể gọi xe máy, xe đạp hay ôtô. Các đối thủ của Ofo đã thích nghi để thay đổi xu hướng.

Hãng công nghệ Meituan Dianping thâu tóm ứng dụng chia sẻ xe đạp Mobike hồi tháng 4, trong khi Hellobike gia nhập vào đội ngũ của đại gia thanh toán điện tử Ant Financial (công ty con của Tập đoàn Alibaba). Cả Meituan và Ant đều cung cấp hàng loạt dịch vụ qua ứng dụng của họ, được sử dụng bởi hàng trăm triệu dân người Trung Quốc. Nhờ các đối tác, đối thủ của Ofo có khả năng tiếp cận nhiều người dùng hơn và cung cấp nhiều dịch vụ hơn như đi chung xe hay giao đồ ăn.

Nhiều người chờ đợi Ofo sẽ được thâu tóm bởi ông lớn lĩnh vực đi chung xe Didi Chuxing – doanh nghiệp khiến Uber phải rời Trung Quốc. Tuy nhiên, thương vụ này không xảy ra. Thay vào đó, Didi đã mua một doanh nghiệp chia sẻ xe đạp khác là Bluegogo.

"Khi Didi bất ngờ mua Bluegoo và ra mắt dịch vụ chia sẻ xe đạp, đây là một tín hiệu nguy hiểm. Điều này giống như việc vợ bạn nói sẽ bắt đầu hẹn hò trở lại", Towson nói.

Hồi tháng 7, Ofo chịu tác động lớn khi Mobike thông báo, người dùng không phải đặt cọc để sử dụng dịch vụ. Sau đó, Hellobike cũng hành động tương tự.

Không có đối tác giàu tiềm lực nên Ofo không có khả năng đua ra chính sách như Mobike hay Hellobike. Trong khi đó, sự nhiệt tình của các nhà đầu tư với Ofo đã suy giảm, lượng tiền mặt xuống thấp vì chi phí mở rộng trên toàn cầu tăng cao, các nhà cung cấp bắt đầu yêu cầu thanh toán.

Theo Xue Yu – một nhà phân tích tại hãng nghiên cứu IDC, Ofo cũng đã phải vật lộn để sửa những chiếc xe đạp hỏng. Điều này khiến khách hàng gặp khó hơn trong việc tìm những chiếc xe có sẵn, khiến họ chuyển sang sử dụng dịch vụ của các hãng khác. "Ofo hiện phải đối một với cuộc khủng hoảng niềm tin tiêu dùng nghiêm trọng nhất", Xue cho hay.

Trong khi đó, việc cố gắng tăng trưởng quá nhanh tại các thị trường nước ngoài cũng khiến Ofo chịu hậu quả lớn khi phải đối mặt với các rào cản từ quy định pháp luật cho đến hư hỏng tài sản, khiến chi phí tăng vọt. Thời kỳ đỉnh cao, Ofo hoạt động tại hơn 20 quốc gia, bao gồm Mỹ, Pháp, Australia.

Một lãnh đạo cấp cao từng làm việc tại Ofo chia sẻ, công ty đã phải rút khỏi các thị trường Israel, Đức, Mỹ và buộc phải bán lại tài sản, trong đó thậm chí một số chiếc xe đạp chỉ được bán với giá 2 USD.

Cuối tuần trước, người phát ngôn của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc - Wu Chungen đã yêu cầu Ofo giảm chi tiêu để có thể trả tiền cho người dùng và đẩy nhanh tốc độ trả tiền.

Chuyên đề