Grab sắp kết thúc năm 2018 với gần 3 tỷ USD vốn đầu tư

Grab dự kiến đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD trong năm nay và muốn gấp đôi con số này vào năm 2019...
Grab cung cấp dịch vụ gọi ôtô và xe máy tại các thành phố khắp Đông Nam Á - Ảnh: Getty Images.
Grab cung cấp dịch vụ gọi ôtô và xe máy tại các thành phố khắp Đông Nam Á - Ảnh: Getty Images.

Tính từ đầu năm đến nay, ứng dụng gọi xe Grab, có trụ sở tại Singapore, đã huy động được hơn 2,7 tỷ USD và sẽ đạt mục tiêu 3 tỷ USD trước năm mới, theo lời khẳng định của Ming Maa - chủ tịch công ty trong một cuộc phỏng vấn mới đây với CNN. 

Vào tháng 3, Grab có thương vụ chấn động khi thâu tóm hoạt động của Uber tại 8 nước Đông Nam Á. Đến nay, startup này đã thống trị trong mảng gọi xe tại các thị trường này. Khoản đầu tư mới 1 tỷ USD từ Toyota hồi tháng 6 đã đưa định giá của Grab lên hơn 11 tỷ USD. 

Tuy nhiên, theo Ming Maa, Grab không muốn chỉ được biết đến như một ứng dụng gọi xe nữa. Thay vào đó, startup này muốn trở thành một "nền tảng phục vụ cuộc sống hàng ngày" với việc mở rộng sang các lĩnh vực khác như thanh toán điện tử, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Maa cho biết. 

Startup Singapore đang muốn "nối gót" của hãng công nghệ khổng lồ Tencent - đứng sau ứng dụng nhiều người dùng nhất Trung Quốc WeChat. WeChat cho phép hơn 1 tỷ người dùng của mình làm đủ thứ từ đặt xe, chơi game cho đến thanh toán trực tuyến và đặt lịch hẹn bác sĩ. 

Những ứng dụng như vậy thu hút sự quan tâm lớn tại Đông Nam Á bởi hầu hết người dùng sử dụng smartphone thấp cấp nên không đủ dung lượng cho nhiều ứng dụng khác nhau. 

Tuy nhiên, Grab đang định vị là một siêu ứng dụng trong bối cảnh các công ty tại Mỹ và nhiều nơi khác đang bị siết quản lý về vấn việc xử lý dữ liệu và sự riêng tư của người dùng. Không phải mọi khách hàng đều chấp nhận việc một công ty biết khi nào họ đặt xe, khi nào họ muốn ăn, trả tiền cắt tóc bao nhiêu hay khám bệnh với bác sĩ nào. 

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Maa khẳng định Grab "rất chú trọng" vào vấn đề an ninh và riêng tư, và cởi mở với người dùng cũng như đối tác kinh doanh về việc dữ liệu được thu thập và xử lý như thế nào. 

"Tôi cho rằng thách thức là khi công ty không minh bạch về cách sử dụng dữ liệu của mình", Maa nói. "Sau đó, công ty sẽ rơi vào những thách thức lớn hơn nhiều". 

Grab hiện có 125 triệu người dùng tại Đông Nam Á. Thách thức lớn nhất đối với công ty này là startup GoJek của Indonesia. Tuần trước, GoJek vừa ra mắt phiên bản thử nghiệm ứng dụng gọi xe tại thị trường Singapore - quê nhà của Grab. 

GoJek - nhận được đầu tư từ Tencent, đang muốn huy động 2 tỷ USD để mở rộng hoạt động. Startup này cũng đặt mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng và đang đầu tư mạnh vào dịch vụ thanh toán di động và giao hàng theo yêu cầu như đồ ăn, thực phẩm. 

Trong khi đó, Grab có nhiều nhà đầu tư "nặng ký" gồm Tập đoàn SoftBank của Nhật và startup gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing. Startup Mỹ Uber cũng đang nắm giữ gần 28% cổ phần tại Grab sau thương vụ vào tháng 3. 

Grab triển khai dịch vụ gọi xe đầu tiên tại Malaysia vào năm 2012, theo sau đó là Philippines, Thái Lan và Singapore vào năm 2013. Đến nay, ứng dụng này đã có mặt tại 8 quốc gia Đông Nam Á. 

Maa cho biết Grab dự kiến đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD trong năm nay và muốn gấp đôi con số này vào năm 2019. Tuy nhiên, cũng giống nhiều startup gọi xe hàng đầu khác, công ty này vẫn chưa có lãi. 

Chuyên đề