“Giới đầu tư đang bi quan nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu”

Mức độ bi quan về nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng do chiến tranh thương mại và FED nâng lãi suất...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters/Fortune.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters/Fortune.

Mức độ bi quan về nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại ở mức cao và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất bất chấp những biến động gần đây trên thị trường tài chính.

Theo tin từ Bloomberg, một cuộc khảo sát do Bank of America Merill Lynch thực hiện tháng này cho thấy các nhà quản lý quỹ đang có xu hướng tích trữ tiền mặt do lo ngại về các hoạt động kinh tế toàn cầu. Mức độ bi quan của các nhà quản lý quỹ được khảo sát đã lên tới mức cao nhất trong 1 thập kỷ, cho thấy sự lo ngại về hồi kết đang đến gần của một thời kỳ tăng trưởng kéo dài.

Một tỷ lệ kỷ lục 85% số nhà quản lý quỹ được khảo sát nói rằng nền kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng. Tỷ lệ bi quan này cao hơn 11 điểm phần trăm so với ở thời điểm tháng 12/2007, trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

"Giới đầu tư đang bi quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu", ông Michael Hartnett, chiến lược gia trưởng về đầu tư của Bank of America Merill Lynch, nhận xét.

Tỷ lệ ròng các nhà đầu tư cho rằng tăng trưởng sẽ giảm tốc trong 12 tháng tới đã lên tới con số 38%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2008. Lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu cũng được dự báo sẽ giảm.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy "bộ ngũ" cổ phiếu công nghệ đình đám FAANG của Mỹ - gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix, và Alphabet, cùng "bộ tam" tương ứng BAT của Trung Quốc - gồm Baidu, Alibaba và Tencent là những cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất thế giới trong 9 tháng liên tiếp vừa qua

Cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 5-11/10, cùng thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ sụt hơn 5%.

Các nhà quản lý quỹ tham gia cuộc khảo sát cho biết trong tháng 10, họ đã mua cổ phiếu năng lượng và nguyên vật liệu cơ bản, trong khi bán ra những cổ phiếu có tính chu kỳ cao, bao gồm cổ phiếu công nghệ. Mức độ nắm giữ tiền mặt duy trì ở mức khá cao 5,1%.

Hai mối lo lớn nhất được các nhà quản lý quỹ nêu rõ chính là việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Trong đó, tỷ lệ các nhà quản lý quỹ lo ngại về việc FED nâng lãi suất đã lên tới mức 31%.

Các đợt nâng lãi suất của FED "đang khiến những niềm hy vọng về kinh tế Mỹ suy giảm dần", ông Hartnett viết, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư bán cổ phiếu mỗi khi thị trường tăng trong quý 4.

Phần lớn các nhà quản lý quỹ được khảo sát cũng cho rằng chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ sẽ giảm ít nhất về ngưỡng 2.500 điểm trước khi FED tạm ngưng việc nâng lãi suất, tương đương mức giảm 9% so với hiện nay.

59% các nhà quản lý quỹ tham gia cuộc khảo sát cũng nói rằng nếu Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11, thì đó sẽ là một vấn đề bất lợi cho chứng khoán Mỹ.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy Nhật Bản đã vượt Mỹ để trở thành thị trường chứng khoán được các nhà đầu tư ưa chuộng nhất, cho dù các công ty Mỹ được dự báo sẽ đạt mức lợi nhuận tốt hơn.

Chuyên đề