'Giấc mộng Trung Quốc' của Starbucks

Starbucks muốn sở hữu hoàn toàn các cửa hàng của mình tại Trung Quốc, bằng việc mua số cổ phần còn lại trong liên doanh với giá 1,3 tỷ USD.  
Trung Quốc hiện là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của hãng ngoài Mỹ. Ảnh:AFP
Trung Quốc hiện là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của hãng ngoài Mỹ. Ảnh:AFP

Starbucks hiện có 2.800 cửa hàng tại Trung Quốc. Trong đó, họ sở hữu hoàn toàn  1.500 cửa hàng và nắm 50% trong 1.300 cơ sở còn lại tại Thượng Hải và các tỉnh như Giang Tô, Chiết Giang.

Trung Quốc hiện là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của hãng ngoài Mỹ. Vì thế, họ muốn mua nốt 50% còn lại từ đối tác liên doanh với giá 1,3 tỷ USD.

Đại gia cà phê cho biết đây là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của hãng. Thông báo này được đưa ra cùng thời điểm công bố báo cáo tài chính quý II.

Theo đó, Starbucks đạt lợi nhuận ròng 691,6 triệu USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng khớp với dự báo trước đó của thị trường. Cổ phiếu Starbucks hôm qua giảm 5,5% trong phiên giao dịch thỏa thuận.

Họ cũng thông báo kế hoạch đóng cửa toàn bộ 379 cửa hàng Teavana cho đến giữa năm tới. Nguyên nhân là "kết quả hoạt động kém triền miên". Starbucks mua lại thương hiệu trà này năm 2012 với giá 620 triệu USD và điều hành chúng song song với các cửa hàng cà phê.

Tân CEO Kevin Johnson cho biết thương vụ này là một phần "cuộc chơi dài hơi" của hãng để đối phó với tăng trưởng sụt giảm tại Mỹ. Chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới này đang chịu ảnh hưởng khi người tiêu dùng Mỹ ngày càng thích mua sắm online hoặc mua từ các cửa hàng tiện lợi.

Doanh thu tại các cửa hàng Mỹ quý trước giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, con số này tại Trung Quốc lại tăng 7%.

Starbucks hiện đã có mặt tại 130 thành phố Trung Quốc và kỳ vọng tăng số cửa hàng từ 2.800 hiện tại lên hơn 5.000 năm 2021. Riêng tại Thượng Hải, họ có gần 600 cửa hàng - lớn nhất thế giới.

Dù vậy, hãng này lại đang tìm cách bán 50% cổ phần còn lại tại 410 cửa hàng ở Đài Loan. Họ cũng có động thái tương tự tại thị trường Hong Kong và Macau năm 2011.

Chuyên đề