Giá dầu thế giới lên cao nhất 3 năm rưỡi

Mấy tuần gần đây, giá dầu bị đẩy lên bởi những lo ngại về căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông...
Một nhà máy lọc dầu ở Novokuibyshevsk, Nga - Ảnh: Bloomberg/WSJ.
Một nhà máy lọc dầu ở Novokuibyshevsk, Nga - Ảnh: Bloomberg/WSJ.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014, sau khi thống kê của Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô nước này giảm trong tuần trước. Việc thị trường tiếp tục lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở một số nước sản xuất dầu chủ chốt cũng là một nhân tố quan trọng đưa giá dầu tăng.

Theo hãng tin CNBC, giá dầu thô WTI lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư tại thị trường New York tăng 1,95 USD/thùng, tương đương tăng 2,9%, đạt 68,47 USD/thùng - mức giá chốt cao nhất kể từ ngày 1/12/2014.

Tại thị trường London, giá dầu thô Brent đóng cửa tăng 1,9 USD/thùng, tương đương tăng 2,7%, đạt mức 73,48 USD/thùng.

Đây là mức giá chốt phiên cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 26/11/2014 - một ngày trước khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) từ chối có biện pháp ngăn sự giảm giá của dầu, dẫn tới đợt bán tháo mà rốt cục khiến giá dầu chạm đáy 12 năm.

Sau mốc đó, OPEC đã thay đổi chính sách, ký một thỏa thuận hạn chế sản lượng với Nga và một số nước khác, với mức hạn chế 1,8 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 1/2017. Theo dự kiến, thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối năm 2018 nếu các bên không gia hạn thêm lần nữa.

Nhờ thỏa thuận trên, lượng dầu tồn kho của thế giới đã giảm về mức trung bình của 5 năm, giúp giá dầu hồi phục.

Theo một số nguồn tin, Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - muốn giá dầu tăng lên mức 80-100 USD/thùng. Vì vậy, có thể nước này sẽ tìm cách duy trì việc hạn chế sản lượng để đạt mức giá mục tiêu.

Báo cáo hàng tuần do Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày thứ Tư cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của nước này giảm 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/4. Dự trữ xăng cũng giảm 3 triệu thùng, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 3,1 triệu thùng.

"Đây là một báo cáo có tính hỗ trợ mạnh đối với giá dầu, vì tất cả các dự trữ nhiên liệu đều giảm", ông John Kilduff, nhà sáng lập quỹ đầu cơ năng lượng Again Capital, nói với CNBC. "Nhu cầu tiêu thụ xăng đang thực sự mạnh, giống như đã vào mùa hè vậy".

Mấy tuần gần đây, giá dầu bị đẩy lên bởi những lo ngại về căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và khả năng gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực này.

Cuộc không kích do Mỹ-Anh-Pháp thực hiện nhằm vào Syria cuối tuần trước đã dẫn tới lo ngại về một cuộc xung đột giữa phương Tây với Nga và Iran, hai đồng minh của Chính phủ Syria. Nga và Iran là hai trong số những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Các vụ tấn công bằng tên lửa của lực lượng nổi dậy ở Yemen nhằm vào Saudi Arabia cũng làm gia tăng mức độ rủi ro đối với nguồn cung dầu.

Hiện thị trường đang chờ xem liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có áp lệnh trừng phạt trở lại đối với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran. Ông Trump đã đặt ra thời hạn ngày 12/5 để đưa ra quyết định về vấn đề này.

Ngoài ra, sản lượng dầu của Venezuela đang tiếp tục giảm nhanh, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế bóp nghẹt ngành dầu lửa vốn là xương sống của nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này.

Sáng nay, giá dầu thế giới tiếp tục giữ vững đà tăng của đêm qua. Lúc hơn 11h, giá dầu WTI tăng 0,41 USD/thùng so với đóng cửa ngày thứ Tư, tương đương tăng 0,6%, đạt 68,88 USD/thùng. Giá dầu Brent cùng thời điểm tăng 0,5 USD/thùng, tương đương tăng gần 0,7%, đạt 73,98 USD/thùng.

Chuyên đề