Giá dầu tăng tạo sức ép lên một số ngân hàng trung ương châu Á

(BĐT) - Việc giá dầu tăng lên do căng thẳng tại khu vực Trung Đông có thể tác động tới tình hình kinh tế của một số quốc gia châu Á, tạo sức ép buộc ngân hàng trung ương các nước này phải tăng lãi suất.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Giá dầu tăng kéo theo chi phí sản xuất lương thực đi lên. Đây là vấn đề đáng để tâm với các nhà hoạch định chính sách tại các nền kinh tế mới nổi, bởi đóng góp của chỉ số bình quân gia quyền về lương thực và năng lượng trong lạm phát thường ở mức 38%, 50%, thậm chí cao hơn.

Tuy nhiên, mỗi nước chịu tác động của việc giá dầu tăng ở mức độ khác nhau. Các nước xuất khẩu dầu mỏ như Malaysia sẽ được hưởng lợi, trong khi ngành công nghiệp đóng tàu tại Hàn Quốc cũng có thể nhận thêm đơn đặt hàng từ các nước Trung Đông. Đài Loan với mức thăng dư tài khoảng vãng lai khoảng 13% cũng sẵn sàng xử lý được các yếu tố tăng giá và Thái Lan sẽ được bù đắp bởi sự bùng nổ du lịch và xuất khẩu các mặt hàng điện tử. Ngoài ra, giá dầu tăng cũng có thể chỉ là tạm thời.

Các nhà phân tích của Nomura dự đoán về tác động của giá dầu tăng đối với một số nước như sau:

Trung Quốc: Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời là quốc gia tiêu thụ mỏ lớn nhất toàn cầu sẽ chịu tổn thương khi giá dầu tăng, bởi sức ép lên thặng dư tài khoản vãng lai, giá thành sản xuất đi lên khiến lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm. Tất cả tạo tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế chung, trong bối cảnh lạm phát cơ bản đã ở mức cao trong 6 năm qua. Điều đáng mừng là mức độ ảnh hưởng không quá lớn, bởi dầu mỏ chỉ chiếm phần nhỏ trong rổ CPT của quốc gia này.

Nhật Bản: Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho rằng, việc giá dầu giảm đã ảnh hưởng tới các nỗ lực thúc đẩy lạm phát gia tăng của cơ quan này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá năng lượng đóng góp chủ yếu cho mức tăng 0,7% của chỉ số lạm phát lõi trong tháng 9 tại Nhật Bản. Giá dầu tăng có thể giúp chỉ số lạm phát của Nhật Bản tăng lên gần với mục tiêu 2% của BOJ.

Tuy nhiên, là nước nhập khẩu dầu mỏ nên giá tăng có thể tác động lên sức mua của người dân trong bối cảnh mức tăng của tiền lương chỉ mới bắt đầu được cải thiện. Giá các mặt hàng nhiên liệu cơ bản của tại Nhật hiện tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2015.

Ấn Độ: Ngân hàng dự trữ Ấn Độ cho rằng giá dầu ở mức 65USD/thùng có thể làm tăng 30 điểm cơ bản lạm phát hàng năm của nước này và yếu tố cơ bản của tăng trưởng sẽ giảm 15 điểm cơ bản. Lạm phát được dự báo ở mức 4,2 đến 4,6% trong nửa cuối của năm tài khóa kết thúc vào 31/3/2018, trong khi chỉ số lạm phát trong tháng 10 ở mức 3,6%. Ấn Độ là nước nhập khẩu trên 80% nhu cầu về dầu mỏ nên theo tính toán của cơ quan Petroleum Planning and Analysis Cell, nếu giá tăng thêm 10 USD/thùng sẽ khiến thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này tăng thêm 8 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP. 

Indonesia: Mặt dù là nước sản xuất dầu mỏ nhưng Indonesia cũng là nước nhập khẩu dầu. Giá dầu tăng sẽ khiến nước này bị ảnh hưởng về lạm phát. Các nhà phân tích cho rằng chu kỳ nới lỏng tiền tệ đã kết thúc và ngân hàng trung ương sẽ có thể tăng lãi suất. Xuất khẩu khí hóa lỏng sẽ giúp giảm nhẹ bớt ảnh hưởng của giá dầu tăng. 

Philippines: Là nước phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu, giá dầu tăng sẽ gây áp lực lên tài khoảng vãng lai vốn đang bị yếu đi của nước này và làm cho chỉ số lạm phát tăng lên nhanh chóng. Một số nhà kinh tế đã khuyến cáo ngân hàng trung ương nước này nên chắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2018. Với mức lạm phát hiện nay đã ở quanh mức 3,5% so với mục tiêu từ 2%-4% đặt ra, các nhà kinh tế cho rằng khi giá dầu tăng thì lạm phát cũng sẽ tăng lên sớm hơn dự đoán.

Chuyên đề