Giá dầu tăng nhờ hy vọng Mỹ-Trung ký thỏa thuận thương mại

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi giảm trong tuần trước...
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu bị hạn chế do tăng trưởng kinh tế suy giảm được dự báo sẽ cản trở đà tăng của giá dầu - Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu bị hạn chế do tăng trưởng kinh tế suy giảm được dự báo sẽ cản trở đà tăng của giá dầu - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi giảm trong tuần trước, nhờ thông tin nói rằng Mỹ và Trung Quốc có thể sớm đạt một thỏa thuận chính thức để xuống thang cuộc chiến thương mại song phương vốn là nhân tố gây áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời gian qua.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,79 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, đạt 56,59 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau chốt phiên với mức tăng 0,6 USD/thùng, đạt 65,67 USD/thùng.

Giá dầu không giữ được hết thành quả tăng vào đầu phiên giao dịch do thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm vì dữ liệu xấu của ngành xây dựng. Tuy nhiên, phiên này đánh dấu sự hồi phục của giá dầu sau khi giảm vào tuần trước. Trong tuần vừa rồi, giá dầu Brent giảm hơn 3% còn giá dầu WTI giam 2,5%.

Mỹ và Trung Quốc có vẻ đang tiến đến gần một thỏa thuận mà theo đó Washington sẽ dỡ thuế quan đối với ít nhất 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, còn Bắc Kinh sẽ thực thi những lời hứa về cải cách cơ cấu nền kinh tế và dỡ thuế quan đối với hàng Mỹ.

"Kỳ vọng về một kết quả tích cực của đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy giá dầu tăng trong phiên ngày hôm nay", nhà phân tích Abhishek Kumar thuộc Interfax Energy nhận xét.

Tin về Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng có tác dụng hỗ trợ giá dầu. OPEC và đối tác, hay còn gọi là nhóm OPEC+, có thể sẽ quyết định một chính sách sản lượng mới trong một cuộc họp vào tháng 6, thay vì trong cuộc họp tháng 4 - nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.

Nguồn tin nói rằng OPEC+ có thể gia hạn việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong cuộc họp tháng 6, nhưng điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào phạm vi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela, hai thành viên OPEC.

Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy nguồn cung dầu thô từ OPEC trong tháng 2 đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm do Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, hạ sản lượng nhiều hơn mức cam kết và Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela.

Nỗ lực giảm sản lượng của OPEC và khả năng Mỹ-Trung đạt thỏa thuận là hai nhân tố chính đưa giá dầu tăng hơn 20% từ đầu năm đến nay.

Tại Mỹ, đã xuất hiện những tín hiệu cho thấy sự tăng trưởng bùng nổ của sản lượng dầu đá phiến trong mấy năm qua có thể đang yếu đi. Tuần trước, các công ty dầu lửa ở Mỹ đã cắt giảm số giàn khoan dầu hoạt động xuống mức thấp nhất 9 tháng - một dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu trong tương lai có thể hạn chế.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu bị hạn chế do tăng trưởng kinh tế suy giảm được dự báo sẽ cản trở đà tăng của giá dầu. Trong ngắn hạn, sự đi lên của giá dầu cũng sẽ chịu tác động của yếu tố mùa vụ.

"Các nhà máy lọc dầu hiện đang giảm hoạt động để bảo trì. Điều này có nghĩa là các nhà máy sẽ giảm tiêu thụ dầu thô", nhà phân tích Bjarne Schieldrop của SEB nhấn mạnh.

Chuyên đề