Giá dầu tăng do tín hiệu OPEC “ngại” nâng sản lượng

Có tín hiệu cho thấy OPEC không sẵn sàng nâng sản lượng để bù đắp sự suy giảm nguồn cung từ Iran...
Mấy tuần gần đây, giá dầu Brent và giá dầu WTI giằng co dưới mốc tương ứng 80 USD/thùng và 70 USD/thùng do tác động của những tín hiệu trái chiều về nguồn cung và nhu cầu - Ảnh: Reuters.
Mấy tuần gần đây, giá dầu Brent và giá dầu WTI giằng co dưới mốc tương ứng 80 USD/thùng và 70 USD/thùng do tác động của những tín hiệu trái chiều về nguồn cung và nhu cầu - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi có tín hiệu cho thấy Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không sẵn sàng nâng sản lượng để bù đắp sự suy giảm nguồn cung từ Iran.

Theo hãng tin Reuters, tín hiệu trên đến từ việc Saudi Arabia, thủ lĩnh của OPEC, có ý nói rằng mức sản lượng khai thác dầu hiện tại của họ đã gần đạt mục tiêu không chính thức mà Riyadh đề ra.

Chốt phiên, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,98 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, đạt 79,03 USD/thùng.

Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,94 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, đạt 69,85 USD/thùng.

Mấy tuần gần đây, giá dầu Brent và giá dầu WTI giằng co dưới mốc tương ứng 80 USD/thùng và 70 USD/thùng do tác động của những tín hiệu trái chiều về nguồn cung và nhu cầu.

Sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, áp lực giảm đối với giá dầu lại xuất hiện sau khi Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API) công bố báo cáo cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tăng thêm 1,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/9, đạt mức hơn 397 triệu thùng. Trước đó, giới phân tích dự báo dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 2,7 triệu thùng trong tuần.

Vào ngày Chủ nhật tuần này, bộ trưởng từ các quốc gia thành viên OPEC và một số nước sản xuất dầu ngoài khối này sẽ nhóm họp để bàn về việc tuân thủ chính sách sản lượng. Nguồn tin từ OPEC nói với Reuters rằng OPEC và các đối tác dự kiến sẽ không có động thái nào trong lần họp này, và thay vào đó sễ chỉ thảo luận về việc chia sẻ kế hoạch nâng sản lượng khai thác đã được nhất trí trong cuộc họp hồi cuối tháng 6.

Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin từ Saudi Arabia ngày 18/9 cho biết nước này hiện cảm thấy hài lòng với mức giá dầu Brent khoảng 80 USD/thùng, ít nhất là trong ngắn hạn. Bloomberg cũng nói dù Saudi Arabia không muốn giá dầu vượt mốc 80 USD/thùng, điều này rất khó tránh bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu lửa Iran sẽ bị áp trở lại vào ngày 4/11.

Gần đây, Reuters cũng có một bản tin nói rằng Saudi Arabia muốn giữ cho giá dầu trong vùng 70-80 USD/thùng để tạo ra sự cân bằng giữa tối đa hóa nguồn thu và tránh để giá dầu tăng cao hơn trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak nói giá dầu 70-80 USD/thùng chỉ là tạm thời và do tác động của lệnh trừng phạt. Theo ông Novak, trong dài hạn, giá dầu chỉ dao động quanh ngưỡng 50 USD/thùng.

Phát biểu tại Moscow hồi tuần trước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Rick Perry nói ông không cho rằng giá dầu sẽ tăng mạnh khi Washington tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran. Ông Perry cũng lạc quan về sản lượng dầu của Saudi Arabia.

Trong dài hạn hơn, giá dầu đang chịu áp lực giảm từ cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc - nhân tố phủ bóng lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Theo giới phân tích, hàng rào thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc dựng lên đối với hàng hóa của nhau có thể hạn chế các hoạt động kinh tế ở cả hai nước, dẫn tới suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.

Chuyên đề