Giá dầu sụt mạnh sau khi ông Trump cảnh báo OPEC

Dòng tweet ngày thứ Hai đánh dấu sự trở lại của quan điểm chỉ trích mà ông Trump nhằm vào OPEC...
Kế hoạch giảm sản lượng hiện nay của OPEC và Nga được đưa ra sau khi giá dầu giảm hơn 40% trong quý 4/2018 - Ảnh: Bloomberg.
Kế hoạch giảm sản lượng hiện nay của OPEC và Nga được đưa ra sau khi giá dầu giảm hơn 40% trong quý 4/2018 - Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu thế giới sụt hơn 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai hối thúc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giảm giá dầu thô, đặt ra sức ép đối với chương trình cắt giảm sản lượng khai thác dầu mà OPEC và đối tác gồm Nga đang triển khai.

"Giá dầu đang lên cao quá. OPEC, xin hãy thư giãn. Thế giới không thể chịu được giá dầu cao - thật mong manh!", ông Trump viết trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter vào sáng sớm.

Lời cảnh báo trên được ông Trump đưa ra chỉ hai tháng sau khi OPEC và đồng minh bắt đầu triển kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Kế hoạch này dự kiến kéo dài trong 6 tháng đầu năm 2019 và vào giữa tháng 4 tới, OPEC sẽ nhóm họp để rà soát lại kế hoạch.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau giảm 1,78 USD/thùng, tương đương giảm 3,1%, còn 55,48 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 2,36 USD/thùng, tương đương giảm 3,5%, còn 64,76 USD/thùng.

Đây là phiên giảm giá mạnh nhất của cả hai loại dầu trong vòng 4 tuần. Hôm thứ Sáu tuần trước, giá dầu WTI và Brent cùng đạt mức cao nhất trong 3 tháng.

Dòng tweet ngày thứ Hai đánh dấu sự trở lại của quan điểm chỉ trích mà ông Trump nhằm vào OPEC - một điều mà ông thường làm trong năm 2018. Ông chủ Nhà Trắng đã không "đả động" gì đến OPEC kể từ đầu tháng 12, ngay trước khi khối này và Nga đi đến thỏa thuận giảm sản lượng dầu, bất chấp lời kêu gọi giữ sản lượng dầu ở mức cao mà ông Trump đưa ra.

Kế hoạch giảm sản lượng hiện nay của OPEC và Nga được đưa ra sau khi giá dầu giảm hơn 40% trong quý 4/2018.

Trước đó, nhóm này đã có lần hợp tác giảm sản lượng vào năm 2017 để vực dậy giá dầu sau một hời kỳ giảm sâu. Tháng 6/2018, giá dầu đạt mức cao nhất 3 năm rưỡi, do OPEC giảm sản lượng và cả mối lo về lệnh trừng phạt của ông Trump đối với Iran.

Đối mặt với sức ép của ông Trump, OPEC đã phải nâng sản lượng dầu từ giữa năm đến tháng 11, và kết quả là giá dầu lao dốc hơn 40% trong quý 4/2018. Ngoài lý do OPEC nâng sản lượng, giá dầu còn giảm mạnh vào cuối năm ngoái do ông Trump miễn trừ để một số nền kinh tế tiếp tục được mua dầu Iran. Bên cạnh đó, sản lượng dầu của Mỹ cũng liên tục lập kỷ lục.

Vì lý do này, một lần nữa OPEC và Nga phải quay lại với nỗ lực giảm sản lượng khai thác dầu.

Sau khi lập kỷ lục 11,1 triệu thùng/ngày vào tháng 11, sản lượng dầu của Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của OPEC, hiện giảm còn 10,2 triệu thùng/ngày. Riyadh dự kiến sẽ chỉ bơm 9,8 triệu thùng/ngày vào tháng tới.

Giá dầu gần đây còn bị đẩy lên bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran, hai quốc gia thành viên OPEC.

Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nói rằng giá dầu Brent có thể dễ dàng tăng lên vùng 70-75 USD/thùng, nhưng cũng có khả năng sụt giảm trở lại "trong bối cảnh bấp bênh gia tăng về kinh tế, chính sách và địa chính trị".

Trong những dòng tweet về OPEC vào năm ngoái, ông Trump không đưa ra mức giá dầu cụ thể mà ông mong muốn, nhưng ông từng nói rằng giá dầu không nên cao hơn 40 USD/thùng, và lý tưởng là ở mức 25 USD/thùng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nói rằng mức giá dầu như vậy có thể khiến nhiều công ty dầu lửa của Mỹ lâm vào cảnh phá sản, và ngay cả những công ty mạnh nhất cũng sẽ khó có lãi khi khai thác các mỏ dầu đá phiến.

Sản lượng dầu không ngừng tăng lên của Mỹ và việc nước này xuất khẩu dầu ngày càng nhiều đang là một nhân tố kiềm chế sự gia tăng của giá dầu. Những mối lo về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng gây áp lực giảm giá lên dầu.

Saudi Arabia có thể khai thác dầu với chi phí thấp hơn Mỹ, nhưng nước này cần giá dầu cao hơn để cân bằng ngân sách và chi trả cho các chương trình xã hội hào phóng vốn giữ vai trò duy trì sự ổn định.

Chuyên đề