Giá dầu hoàn tất tháng giảm mạnh nhất 10 năm

Trong tháng 11, giá dầu WTI giao sau tại Mỹ sụt 22%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008...
Logo của OPEC bên ngoài trụ sở của khối này ở Vienna, Áo - Ảnh: Reuters/CNBC.
Logo của OPEC bên ngoài trụ sở của khối này ở Vienna, Áo - Ảnh: Reuters/CNBC.

Giá dầu thế giới lại đi xuống trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi nhà đầu tư nghi ngờ về cam kết của Nga đối với việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu.

Theo tờ Wall Street Journal, giá dầu thô giao sau tại Mỹ hoàn tất tháng giảm mạnh nhất tính theo tỷ lệ phần trăm kể từ tháng 10/2008, "bốc hơi" 22% trong tháng 11.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ hạ 1%, còn 50,93 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu giảm còn 49,65 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent tụt 1,3%, chốt ở 58,71 USD/thùng, mức giá đóng cửa thấp nhất của loại dầu này trong vòng 1 năm.

Giá dầu thế giới đã giảm liên tục trong những tuần gần đây do sản lượng dầu tăng mạnh của các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, cộng thêm nỗi lo về sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu do nền kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu giảm tốc.

Hãng thông tấn Tass ngày 30/11 đưa tin rằng Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga nói Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác, gồm Nga, hài lòng với mức giá dầu hiện tại.

Thông tin này làm dấy lên mối lo rằng Nga có thể phản đối kế hoạch cắt giảm sản lượng khi OPEC và đối tác nhóm họp ở Vienna, Áo vào tuần tới. Cũng trong ngày thứ Sáu, Wall Street Journal nói rằng ủy ban kinh tế của OPEC đã đề xuất cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng/ngày so với mức sản lượng của tháng 10.

"Thị trường đang trông chờ vào một thỏa thuận hạ sản lượng", ông Amrita Sen, phụ trách phân tích thị trường dầu lửa thuộc Energy Aspects, nhận định. "Tôi nghĩ OPEC hiểu rằng sẽ xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung dầu nếu họ không hạ sản lượng. Nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn là sẽ có thỏa thuận".

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu đã tăng sau khi có thông tin nói rằng Nga có thể sẽ cùng với OPEC giảm khai thác dầu để hỗ trợ giá năng lượng này.

Những thông tin trái chiều này là một "chiến lược mà Nga đang sử dụng" để khiến thị tường phải đồn đoán - theo ông Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa cơ bản thuộc BNP Paribas, nhận xét. "Sẽ chẳng có sự rõ ràng nào cho tới khi diễn ra cuộc họp OPEC".

Thị trường hiện đang chờ những thông tin phát đi từ cuộc gặp thượng đỉnh G20 ở Argentina, nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin và thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia sẽ có cuộc gặp riêng, để xác định rõ thêm về khả năng liệu có một thỏa thuận giảm sản lượng dầu tại cuộc họp OPEC và đối tác ở Vienna vào tuần tới.

Nhà phân tích thị trường hàng hóa cơ bản Giovanni Staunovo thuộc UBS Wealth Management nhận định thị trường đang kỳ vọng mức cắt giảm sản lượng ít nhất 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ OPEC và Nga. "Mức cắt giảm như vậy sẽ giúp giá dầu ổn định và phục hồi chắc chắn trong năm 2019", ông Staunovo nói.

Giới phân tích nói rằng nếu OPEC không hạ sản lượng, hoặc giảm sản lượng ít hơn mức kỳ vọng, thì giá dầu sẽ tuột khỏi mốc 50 USD/thùng.

Mỹ hiện đang khai thác dầu với tốc độ mạnh hơn bao giờ hết, và điều này gia tăng sức ép giảm giá đối với dầu.

Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu của nước này đạt mức 11,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9, so với mức 11,4 triệu thùng/ngày trong tháng 8 và tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng dầu tăng góp phần khiến lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng 10 tuần liên tiếp.

Chuyên đề