Giá dầu giảm khá mạnh do mối lo về cầu

Giá dầu thế giới giảm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi một cơn bão trên Vịnh Mexico suy yếu...
Một nhà máy lọc dầu của hãng Chevron ở bang Mississippi của Mỹ hôm 4/9 - Ảnh: Reuters.
Một nhà máy lọc dầu của hãng Chevron ở bang Mississippi của Mỹ hôm 4/9 - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới giảm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi một cơn bão trên Vịnh Mexico suy yếu và di chuyển khỏi vùng có các giàn khoan dầu.

Ngoài ra, xung đột thương mại toàn cầu và cuộc khủng hoảng tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng dẫn tới những dự báo cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu có thể giảm sút.

Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau giảm 1,15 USD/thùng, tương đương mức giảm 1,65%, còn 68,72 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 0,9 USD/thùng, tương đương giảm 1,15%, còn 77,27 USD/thùng. Trong phiên ngày thứ Ba, giá dầu Brent có lúc lên mức 79,72 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5.

Hãng tin Reuters cho biết, giá dầu tăng mạnh vào hôm thứ Ba khi các công ty dầu lửa phải đóng cửa hàng chục giàn khoan dầu ngoài khơi trên Vịnh Mexico vì lo cơ bão Gordon. Tuy nhiên, cơn bão này không mạnh như dự báo và trong ngày hôm qua, các giàn khoan dầu đã hoạt động bình thường trở lại.

Giá dầu cũng chịu áp lực giảm từ việc xung đột thương mại Mỹ-Trung đặt ra những mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu. Chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể áp thuế quan bổ sung lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi thời hạn tham vấn công chúng kết thúc vào ngày thứ Năm tuần này.

Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) Mohammad Barkindo nói rằng xung đột thương mại toàn cầu có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu trong tương lai.

Bên cạnh đó, gây áp lực giảm lên giá dầu còn có cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng Lira đã mất giá hơn 40% từ đầu năm đến nay.

"Nỗi lo khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ lan sang các thị trường mới nổi khác đã dẫn tới những lo ngại về việc nhu cầu dầu có thể suy giảm", ông Abhishek Kumar, nhà phân tích thị trường năng lượng thuộc Interfax Energy, phát biểu.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi việc Mỹ tái áp các biện pháp trừng phạt lên Iran. Lệnh trừng phạt của Mỹ lên ngành dầu lửa nước này sẽ được nối lại vào tháng 11, nhưng hiện tại đã khiến xuất khẩu dầu của Iran - nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong OPEC - suy giảm.

"Lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm 1,5 triệu thùng/ngày. Bởi vậy, giá dầu có thể sẽ tăng trong một vài tuần sắp tới", nhà phân tích Stephen Innes thuộc công ty môi giới OANDA nhận định.

Ngày thứ Tư, ông Trump nói ông không thể dự báo trước điều gì sẽ xảy ra với Iran, và ông cũng không bận tâm đến chuyện các nhà lãnh đạo Iran có muốn đàm phán với ông hay không.

Chuyên đề