Giá dầu chật vật phục hồi nhờ tin từ Libya

So với mức đỉnh trên 86 USD/thùng thiết lập hồi tháng 10, giá dầu Brent hiện đã giảm 30%...
Giá dầu thế giới vẫn đang đối mặt áp lực suy giảm do sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu - Ảnh: Getty/CNBC.
Giá dầu thế giới vẫn đang đối mặt áp lực suy giảm do sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, lấy lại một phần mất mát của phiên trước, nhờ đồng USD xuống giá nhẹ và gián đoạn sản lượng dầu Libya.

Sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu phiên ngày thứ Ba đã giảm bớt một phần áp lực mất giá đối với dầu thô, nhưng chứng khoán Mỹ chuyển "đỏ" từ giữa phiên. Giá dầu thô thu hẹp mức tăng khi giá cổ phiếu đi xuống.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,23 USD/thùng, đạt 60,2 USD/thùng, dù trong phiên có lúc đạt 61,1 USD/thùng.

Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau tăng 0,65 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, đạt 51,65 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI tăng hơn 2%, đạt 52,43 USD/thùng.

"Đồng USD giảm giá một chút, nhưng ngoài việc này ra, tôi chẳng thấy có lý do nào khác để tin giá dầu sẽ tiếp tục hồi phục vào thời điểm này", chuyên gia Tamas Varga thuộc PVM Oil Associates nhận định.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm hơn 5% trong tháng này do lo ngại về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế thường tạo sức ép suy giảm lên nhu cầu tiêu thụ dầu.

Đồng USD giảm giá trong phiên ngày thứ Ba là một nhân tố giúp giá dầu hồi phục. Mức tăng 5% từ đầu năm đến nay của đồng bạc xanh đã gây nhiều áp lực giảm giá dầu.

Ngoài ra, giá dầu phiên này còn được hỗ trợ bởi sự suy giảm sản lượng dầu của Libya do mỏ dầu El Sharara của nước này rơi vào tay lực lượng du kích. Diễn biến này đã khiến Libya mất gần 400.000 thùng/dầu trong sản lượng khai thác mỗi ngày.

So với mức đỉnh trên 86 USD/thùng thiết lập hồi tháng 10, giá dầu Brent hiện đã giảm 30%. Để "vực dậy" giá dầu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga tuần trước đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2019.

Nga ngày 11/12 tuyên bố dự kiến sẽ hạ sản lượng dầu khoảng 50.000-60.000 thùng/ngày trong tháng 1, tiếp đó sẽ nâng dần mức cắt giảm để đạt cam kết hạ sản lượng 220.000 thùng/ngày.

Chuyên đề