Giá dầu “bốc hơi” gần 11% trong tháng 10

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, chốt tháng giảm tệ hại nhất kể từ tháng 7/2016...
Giá dầu WTI và dầu Brent hiện đều thấp hơn khoảng 11 USD/thùng so với mức đỉnh của 4 năm thiết lập hôm 3/10 - Ảnh: CNBC.
Giá dầu WTI và dầu Brent hiện đều thấp hơn khoảng 11 USD/thùng so với mức đỉnh của 4 năm thiết lập hôm 3/10 - Ảnh: CNBC.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, chốt tháng giảm tệ hại nhất kể từ tháng 7/2016.

Giá dầu thô WTI giao dịch tại thị trường New York đóng cửa với mức giảm 0,86 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%, còn 65,31 USD/thùng. Trong tháng 10, giá dầu WTI sụt 10,8%.

Tại thị trường London, giá dầu Brent chốt phiên giảm 0,44 USD/thùng, còn 75,47 USD/thùng. Mức giảm của giá dầu Brent trong tháng 10 là gần 9%.

Giá dầu WTI và dầu Brent hiện đều thấp hơn khoảng 11 USD/thùng so với mức đỉnh của 4 năm thiết lập hôm 3/10, khiến tháng 10 là tháng giảm giá tệ nhất của cả hai loại dầu này kể từ tháng 7/2016.

Thị trường tài chính toàn cầu bán tháo trong tháng 10, khiến dầu không nằm ngoài xu hướng mất giá chung của các tài sản khác. Ngoài ra, "vàng đen" còn chịu áp lực giảm giá từ nỗi lo suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Trong phiên ngày thứ Tư, tâm lý giới đầu tư dầu lửa được cải thiện phần nào khi thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm khá mạnh.

Chứng khoán Trung Quốc đi lên sau khi cơ quan chức năng nước này đưa ra thêm những lời hứa về hỗ trợ thị trường. Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp nhờ lực cầu bắt đáy cổ phiếu công nghệ và một số báo cáo tài chính khả quan.

Ngoài ra, số liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tuần qua tăng ít hơn dự báo cũng là một nhân tố nâng đỡ giá dầu.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu tăng 3,2 triệu thùng trong tuần qua. Dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất cũng giảm, trong khi tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Mỹ trong 4 tuần trở lại đây đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, thị trường vẫn đang lo ngại về khả năng sụt giảm nguồn cung dầu từ Iran sau khi Mỹ bắt đầu tái áp đầy đủ các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu lửa của nước này kể từ ngày 4/11.

Số liệu thống kê từ các cơ quan chính phủ cho thấy nhập khẩu dầu Iran bởi các khách hàng chính ở khu vực châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất 32 tháng trong tháng 9, khi những nước như Trung Quốc, hàn Quốc và Nhật Bản giảm mạnh việc mua dầu Iran vì lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ.

"Quan điểm giá dầu tăng vẫn chủ yếu dựa vào lệnh trừng phạt đối với Iran bắt đầu từ tháng 11, và sự suy giảm sản lượng dầu tiếp diễn ở Venezuela", ông William O’Loughlin, nhà phân tích đầu tư thuộc Rivkin Securities, nhận định.

Mặc dù vậy, nguồn cung dầu từ các quốc gia khác vẫn đang tăng lên. Nhóm 3 nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Nga, Saudi Arabia và Mỹ, khai thác 33 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 9 - theo dữ liệu của Refinitiv. Mức sản lượng này tăng 10 triệu thùng/ngày so với hồi đầu thập kỷ.

Trong đó, sản lượng dầu của Nga đã đạt mốc 11,41 triệu thùng/ngày, mức cao chưa từng có kể từ khi Liên Xô tan rã - nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.

Chuyên đề